Đặc biệt các trường hợp tự chuyển nhượng bằng giấy tay, dù đã có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) nhưng người dân vẫn dài cổ chờ đợi khi nộp hồ sơ xin cấp GCN.
Nộp hồ sơ không biết ngày trả kết quả
Năm 2001, ông B. mua căn nhà bằng giấy tay từ 1 người tự phân lô rồi xây cất trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Đầu năm 2006, ông nghe nhiều người nói nhà mua bằng giấy tay có thể hợp thức hóa được nên lên huyện mua bộ hồ sơ, điền những thông tin cần thiết kèm theo các giấy tờ liên quan và nộp tại UBND huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên từ đó đến nay, ông B. đi tới đi lui nhiều lần để hỏi thăm và cũng nhiều lần bổ sung hồ sơ nhưng ngày trả kết quả vẫn không biết đến bao giờ. Tại xã Vĩnh Lộc B, khu đất của ông Tr. có diện tích gần 11.000m2 được UBND huyện Bình Chánh cấp GCN đất nông nghiệp năm 2000. Ông Tr. tự phân lô hàng trăm mảnh, bán lại bằng giấy tay cho nhiều người xây nhà không phép và sinh sống ổn định từ hơn 15 năm nay.
Năm 2016 một số người dân mua nhà tại đây nộp hồ sơ xin hợp thức hóa tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Bình Chánh, được hẹn trả kết quả vào tháng 3. Nhưng 2 năm qua họ vẫn chưa nhận được GCN.
Đó là những trường hợp hồ sơ có vấn đề, nhưng nhiều hồ sơ hợp pháp cũng vẫn bị trễ hẹn. Tháng 11-2017, chị T. nộp hồ sơ xin cấp GCN cho căn nhà của mình tại 1 dự án ở Thủ Đức. Sau vài lần bổ sung hồ sơ, cán bộ thụ lý đi thực địa và cho biết mọi thứ đều đảm bảo, chị T. chỉ phải chờ thêm vài ngày để làm thủ tục nộp thuế đất phi nông nghiệp, trước bạ căn nhà... Tuy nhiên hơn 1 tháng sau chị mới “được” nộp thuế. Cầm hóa đơn đóng thuế chị nộp lại cho cán bộ thụ lý chờ ngày nhận kết quả, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được GCN.
Nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay đang gặp khó khăn khi xin cấp GCN.
Tình trạng trễ hẹn trả kết quả cho người dân đang khá phổ biến tại các quận huyện. Theo con số chưa thống kê đầy đủ, hiện nay tại mỗi quận huyện có đến cả ngàn hồ sơ trễ hẹn. Đại diện Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh xác nhận có gần 1.000 hồ sơ của người dân xin cấp GCN đang bị ách tắc tại cơ quan này; nguyên nhân do chưa xác định Sở TN-MT ký hay do UBND huyện ký.
Có hướng dẫn vẫn… chưa thông
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết không chỉ huyện Bình Chánh, các huyện khác như Nhà Bè, Hóc Môn… cũng xảy ra chuyện tương tự với dạng đất nông nghiệp được chủ tự san lấp, phân lô hoặc xây dựng nhà ở không phép.
“Rất nhiều trường hợp đã mua bán nhiều lần bằng giấy tay. Trong đó có không ít trường hợp diện tích đất rất nhỏ, không đảm bảo hạn mức tối thiểu khi tách thửa do chủ đất chia tách nhiều lần bán cho nhiều người” - ông Thắng nói và cho biết năm 2016 Sở TN-MT đã xin ý kiến của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) về hướng giải quyết các trường hợp này.
Theo đó, Bộ TN-MT hướng dẫn phải xử lý vi phạm trước khi tiến hành cấp giấy. Tiếp đến Sở TN-MT có văn bản hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết là của quận, huyện. Tuy nhiên, tháng 1-2017, trong văn bản trả lời một số nội dung vướng mắc về thẩm quyền cấp GCN tại TPHCM, Tổng cục Quản lý đất đai lại xác định những trường hợp nêu trên “thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT”.
“Do lấn cấn này, hồ sơ của người dân bị ách tắc, chưa thể xử lý được” - ông Thắng giải thích.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Sở TN-MT có văn bản báo cáo UBND TP đề xuất hướng giải quyết. Sở cho rằng tình trạng tự ý chuyển mục đích, phân lô, chuyển nhượng bằng giấy tay không chỉ do lỗi của người sử dụng đất mà còn do công tác quản lý chưa chặt chẽ, quy hoạch treo kéo dài. Sở đề nghị trước khi cấp GCN cần xem quá trình xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng, thời điểm sử dụng đất, sự phù hợp về quy hoạch, đảm bảo hạ tầng...
“Trong những trường hợp này, nếu đủ điều kiện thì được cấp giấy, không phải ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Không đủ điều kiện được cấp giấy cần xem xét cho sử dụng đất theo hiện trạng đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng người dân phải thực hiện đăng ký đất đai” - ông Thắng đề nghị.
Về thẩm quyền giải quyết, Sở TN-MT kiến nghị TP giao quận, huyện kiểm tra, rà soát hồ sơ và báo cáo Sở về nguồn gốc pháp lý đất; thời điểm, hạn mức; tách thửa, chuyển nhượng; hiện trạng và sự thay đổi của hiện trạng so với giấy chứng nhận gốc; kết quả xử lý vi phạm (nếu có). Trường hợp đất có biến động do chuyển nhượng nhưng không thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất so với giấy đỏ gốc và đủ điều kiện cấp GCN, Sở TN-MT sẽ ký giấy. Nếu có thay đổi với GCN gốc, thẩm quyền thuộc quận, huyện.
Được biết, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở TN-MT. Còn việc các hồ sơ hợp pháp vẫn bị trễ hẹn, ông Thắng cho biết do lượng hồ sơ quá nhiều. Một số loại hồ sơ sau khi các chi nhánh ký xong phải đưa về văn phòng chính để đóng dấu nên mất thời gian. Sắp tới TP sẽ có cơ chế ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng ký tên, đóng dấu cho một số trường hợp được cấp GCN, hy vọng lượng hồ sơ sẽ được giải quyết nhanh hơn.
-
Đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính từ năm 2025: Có tốn phí không?
Từ ngày 01/01/2025, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, huyện ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại. Vậy trường hợp người dân có nhu cầu điều chỉnh thông tin hoặc đổi các loại giấy tờ có liên quan như thẻ căn cước, sổ đỏ/sổ hồng...
-
12 loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để nhập hộ khẩu từ 10/01/2025
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2025).
-
Dự án lấn biển sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở như thế nào?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển. Trong đó có nội dung về việc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các dự án này....