Vấn đề nợ công châu Âu ngày càng nóng khi Hy Lạp và hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha bị hạ xếp hạng tín dụng trong tuần này. Phiên qua, dầu thô mất 1,2% giá trị sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức phát biểu, những xáo trộn thị trường do cuộc khủng hoảng nợ gây ra có thể kéo dài tới hơn 2 năm nữa.
Giá dầu còn chịu ảnh hưởng bởi nguồn dự trữ tại Mỹ - nước tiêu thụ dầu số 1 thế giới – đang ở mức cao nhất trong vòng 22 năm.
Đóng cửa phiên 18/5, giá dầu WTI giao tháng 6 giảm 1,08 USD xuống 91,48 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 35 cent xuống 107,14 USD/thùng – thấp nhất từ 20/12/2011.
Trong quý đầu năm nay, giá dầu đã tăng 4,2%, nhưng từ đầu quý 2 tới giờ, giá đã hạ 11%. Riêng tuần này, giá dầu hạ 4,8%.
Chủ tịch công ty Schork Group có trụ sở tại Villanova, Pennsylvania (Mỹ) nhận xét, tất cả các thông tin kinh tế vĩ mô giờ đây đều tiêu cực. Giá dầu đang thể hiện những gì xảy ra ở châu Âu và Mỹ. “Nếu như hồi tháng 2 người ta e ngại phải bán dầu, thì giờ đây mọi người đều sợ mua”, ông nói.