Dự báo của giới tài chính rằng NHNN có thể “bơm” ròng qua thị trường mở số tiền lên đến 50.000 tỉ đồng/tháng kể từ tháng 5-2010 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã không diễn ra.
Tiền vào, tiền ra và khoảng trống ngân hàng

Dự báo của giới tài chính rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể “bơm” ròng qua thị trường mở số tiền lên đến 50.000 tỉ đồng/tháng kể từ tháng 5-2010 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã không diễn ra. Sau khi “bơm” ròng hơn 22.000 tỉ đồng vào hai tuần đầu của tháng 5, NHNN đã rút bớt tiền về nhiều hơn đưa tiền ra.

Kết quả là trong tháng 5-2010 NHNN đã đưa ra 21.000 tỉ đồng (và tuần đầu tiên của tháng 6 đưa ra hơn 7.000 tỉ đồng) qua thị trường mở. Con số này tuy chưa bằng một nửa mức dự báo, nhưng lại là một bước đột biến của việc đưa tiền ra nếu nhìn suốt chiều dài sáu tháng gần đây.

Thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy tháng 12-2009 ghi nhận lượng tiền “bơm” ra kỷ lục của NHNN qua thị trường mở: 65.000 tỉ đồng. Dễ hiểu đó là thời điểm cận Tết Dương lịch và Âm lịch, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân rất lớn.

Nguồn cung tiền lớn như thế chắc chắn sẽ tác động tới việc kiềm chế lạm phát và trong bốn tháng kế tiếp, NHNN chỉ hút tiền về. Cụ thể tháng 1-2010 hút về ròng 16.400 tỉ đồng; tháng 2 hút về 3.500 tỉ đồng. Sang tháng 3-2010 lượng tiền hút về gấp 11 lần tháng 2, tới 38.600 tỉ đồng; tháng 4 hút về 6.700 tỉ đồng. Tổng lượng tiền hút về bốn tháng là 65.200 tỉ đồng, đúng bằng số tiền đưa ra trong tháng 12-2009. NHNN đã chứng tỏ sự thận trọng và ưu tiên cho mục tiêu ngăn chặn lạm phát.

Chỉ đến cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng 4-2010 khi Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến công bố tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm khoảng 5,5% so với cuối năm 2009, quá thấp so với chỉ tiêu 25% của cả năm nay, NHNN mới “đổi chiều” trong giao dịch thị trường mở. Tiền được “bơm” ra ròng trở lại trong tháng 5-2010.

Có thể NHNN đã không đưa tiền ra nhiều như dự báo trong tháng vừa qua, vì với việc mua vào 1 tỉ đô la Mỹ từ tháng 4-2010 để tăng cường cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, lượng tiền đưa ra thị trường đã tăng thêm 19.000 tỉ đồng. Nếu cộng số tiền “bơm” ròng trong tháng 5 và tuần đầu của tháng 6 nữa, có khoảng 47.000 tỉ đồng đã được đưa vào nền kinh tế kể từ đầu năm nay.

Toàn bộ số tiền trên được đưa ra qua hệ thống ngân hàng (NHNN mua ngoại tệ của doanh nghiệp qua ngân hàng và mua giấy tờ có giá trực tiếp từ ngân hàng thương mại) và hơn một nửa (21.000 tỉ đồng) là đưa ra với lãi suất thấp, tối đa 8%/năm.

Trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng thấp nhất cũng 12,5%/năm và mặt bằng lãi suất đã không được hạ xuống kịp thời như chỉ đạo của Chính phủ và mong muốn của doanh nghiệp. Đây có lẽ là điểm gút giải thích vì sao năm tháng đầu năm lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mức tăng trưởng phổ biến là 30% - một mức độ mà đa số doanh nghiệp không có được.

Vấn đề là ở chỗ ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao, tiền đưa ra đã tương đối khá, tăng trưởng tín dụng khá thấp (theo NHNN, tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm là 7,46% so với cuối năm 2009), nhưng ngân hàng vẫn giữ lãi suất huy động cao, từ đó giữ lãi suất cho vay cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là sự lệch pha giữa huy động vốn và dư nợ cho vay.

Như chúng tôi đã từng nói, NHNN từ lâu đã không công bố số dư tuyệt đối của huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhiều số liệu và tính toán khác nhau, ước dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2009 chừng 1,75 triệu tỉ đồng, huy động 1,7 triệu tỉ đồng.

Và căn cứ vào số liệu tăng trưởng tín dụng và huy động năm tháng đầu năm của NHNN mới được công bố, lần lượt là 7,46% và 7,8%, có thể tính ra ước dư nợ cho vay và huy động của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5-2010 là 1,88 triệu tỉ đồng và 1,83 triệu tỉ đồng. Như vậy, tổng vốn huy động của ngân hàng vẫn thấp hơn tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 47.000 tỉ đồng.

Nếu những số liệu trên sát với thực tế, nó đang phát đi hai tín hiệu cảnh báo. Thứ nhất, khả năng huy động vốn của các ngân hàng đang giảm (nên phải giữ lãi suất tiền gửi cao). Sức ép lạm phát từ năm 2009 và kéo dài đến nay đã buộc người dân chuyển qua nắm giữ tài sản nhiều hơn tiền đồng.

Thể hiện rõ nhất là việc chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, vàng và một số thời điểm là chứng khoán. Thay vì gửi tiền vào ngân hàng, người dân đưa tiền vào kinh doanh đất đai, vàng, cổ phiếu. Lượng tiền này cho đến nay khó có thể quay trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng không thể tăng trưởng mạnh, một mặt vì ngân hàng không có nguồn vốn rẻ để cho vay (vốn huy động chủ yếu từ dân cư với lãi suất cao), mặt khác lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay. Bây giờ doanh nghiệp chuộng phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết.

Cách huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu giúp doanh nghiệp tránh được sức ép trả nợ về kỳ hạn cũng như lãi suất cao. Cả hai điều cảnh báo trên đều cho thấy vai trò đang bị lấn lướt của ngân hàng trong nền kinh tế và cuộc sống xã hội.

Vậy ngân hàng có còn khoảng trống để đi lên? Vẫn còn. Với điều kiện ngân hàng phải nhìn xa hơn, tìm kiếm lợi nhuận trong dịch vụ, chứ không phải lợi nhuận ăn xổi ở thì và đẩy khó khăn về cho doanh nghiệp cũng như người dân. Để làm được điều đó, ngân hàng cần một cơ chế quản lý mang tính thị trường, không phải các biện pháp hành chính kiểm soát ngặt nghèo và điều hành đi trước, thanh tra theo sát ngay sau như hiện nay.

Cafeland.vn

theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland