Bên cạnh nguồn vốn ngân hàng “đổ” vào BĐS còn có dòng vốn FDI cũng đang “chảy” mạnh vào lĩnh vực này. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2015, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Khi tiền ồ ạt “đổ” vào bất động sản, nhiều lo ngại “bong bóng” sẽ quay trở lại thị trường. Ảnh: Minh Thư
Sở dĩ tín dụng “đổ” mạnh vào BĐS là do tính thanh khoản thời gian qua của thị trường có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2015 có khoảng 14.000 giao dịch BĐS thành công. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 7.500 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần lượng giao dịch cùng kỳ năm 2014. Còn tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần lượng giao dịch thành công cùng kỳ năm 2014.
Theo dự báo của chuyên gia, dòng vốn cho BĐS từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng, không chỉ từ nguồn tín dụng, FDI mà còn đón nhận thêm từ dòng kiều hối. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, riêng kiều hối đã có 2,16 tỷ USD chuyển về TP Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 21,8% là “đổ” vào BĐS. Tính chung cả nước, mỗi năm có khoảng 12 tỷ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS, thì chỉ riêng dòng vốn này thị trường BĐS đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD.
Mặt khác, với việc Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 có quy định thông thoáng hơn khi cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở Việt Nam thì chắc chắn lượng ngoại hối sẽ lại tiếp tục được đổ mạnh vào BĐS.
Tuy nhiên, khi lượng tiền “đổ” mạnh vào BĐS thì lại xuất hiện những ý kiến đánh giá về thị trường khác nhau.
Khá lo lắng khi trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành phân tích, nhiều năm trước đây khi các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS xuất hiện cũng xuất phát từ việc dòng tiền đổ vào lĩnh vực này tăng trưởng nóng. Do vậy, khi thị trường BĐS vừa mới hồi phục từ đầu năm 2014, nay lại xuất hiện hiện tượng tiền “đổ” mạnh vào thì không thể không lo ngại việc “bong bóng” BĐS sẽ quay lai. Quan trọng nhất là dòng tiền đổ vào thị trường có phù hợp hay không khi mà nguồn cung hiện nay khá “khổng lồ”, gấp nhiều lần so với thời gian trước. Nhất là nguồn cung lại chưa phù hợp với nhu cầu của người mua có nhu cầu thực.
“Nếu dòng tiền này không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người tiêu dùng mà lại từ nhu cầu của giới đầu cơ thì nguy cơ “bong bóng” bất động sản xảy ra là khó tránh khỏi”, ông Đực nhận định.
Còn bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho hay, lượng giao dịch của năm 2015 đang ở ngưỡng cao, 6 tháng đầu năm bằng cả năm 2014, dự kiến trong cả năm sẽ vượt ngưỡng của những năm sốt nóng như 2006-2010.
Tuy nhiên, theo bà Hằng thị trường mới trong giai đoạn phát triển đi lên, vì vậy trong ngắn hạn chưa thể có bong bóng được. Mặt khác, lượng hàng vẫn còn rất dồi dào, với hơn 8.000 căn hộ chưa kể trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều hơn. Do đó, khi hàng vẫn còn, người mua vẫn còn nhiều cơ hội lựa chọn thì chưa đến mức người mua phải tranh mua, tranh bán “đẩy” giá tăng chóng mặt… Với những yếu tố đó, bà Hằng nhận định chưa thể có bong bóng BĐS trong thời gian tới.
Trước nhiều lo ngại về “bong bóng” BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là không thể tránh khỏi. Vấn đề chính là chúng ta kiểm soát không để thị trường nóng, tạo ra bong bóng BĐS.
Do đó, theo Bộ trưởng cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì kiểm soát thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là phải cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường cũng phải đáp ứng cầu đó. Nếu được như vậy chắc chắn sẽ phát triển bền vững.