Thống kê mới nhất cho thấy quý I, tăng trưởng huy động vốn trong hệ thống ngân hàng đạt 4,34%, nhưng tín dụng chỉ tăng 0,67%. Mùa đại hội cổ đông năm nay, báo cáo của ngân hàng nào cũng khoe "huy động vốn tăng trưởng đáng kể". Còn khi nói đến kết quả cho vay - dẫn vốn cho nền kinh tế thì ông chủ nào cũng "ngao ngán" và trình bày kèm theo một loạt nguyên nhân.
Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) kể câu chuyện chi nhánh một ngân hàng quốc doanh ở Lạng Sơn vừa phải chuyển 1.000 tỷ đồng vốn huy động về trung ương, vì không cho vay nổi. "Nếu chính sách không hài hòa, không cho vay được và không gắn kết với doanh nghiệp thì ngân hàng cũng chết thôi", ông Tuy lo lắng.
Nhiều đại biểu Quốc hội thắc mắc tiền đang ở đâu khi không chạy vào sản xuất. Ảnh: Thanh Lan. |
Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo bổ sung tình hình năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nêu một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp. Theo cơ quan này, một trong các lý do là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, hàng tồn kho cao nên tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Thực tế, không chỉ vì lãi suất cao, nhiều doanh nhân thú nhận chẳng dám vay vốn vì mở rộng sản xuất để làm gì khi hàng tồn chưa bán hết. Một đại diện của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói: "Dịp cuối tuần, cứ nhìn mỗi giỏ hàng hóa thanh toán tại siêu thị của người dân ngày một vơi đi là tôi biết sức mua của nền kinh tế yếu thế nào".
Ngân hàng Nhà nước đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp đã suy giảm khi phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc từ bất động sản đang đóng băng. Các ngân hàng cũng ngại cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trên 30%. Trong khi đó những doanh nghiệp khỏe, đủ điều kiện, "vừa mắt" ngân hàng thì có xu hướng thoái nợ, muốn giảm phụ thuộc vốn vay. Chỉ còn lại nhóm khó khăn muốn được bơm vốn nhưng không đủ điều kiện.
Doanh nghiệp vẫn rất khát vốn dù lượng tiền huy động của ngân hàng vẫn tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hơn 80% doanh nghiệp hiện nay thuộc diện vừa và nhỏ (SME), quy mô cũng như tài sản, uy tín thấp nên việc tiếp cận vốn ngân hàng càng khó. Báo cáo về khó khăn này trước Ủy ban kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ chế Ngân hàng Phát triển bảo lãnh cho SME vay vốn dù đã có nhưng vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thế nên, tín dụng càng không thể tăng nổi.
Báo cáo phân tích tình hình kinh tế tháng 4 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phần nào gợi mở chuyện tiền đang ở đâu. Ủy ban này cho rằng tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói thêm, để đáo hạn các khoản huy động cũ nhà băng phải sử dụng tới lượng tiền gửi mới nhận được từ dân cư. "Việc này nếu kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế", ông Hiếu cảnh báo.
Cũng theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, vốn huy động của các nhà băng chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như trái phiếu Chính phủ dù lợi suất có lúc đã thấp nhất trong nhiều năm. Phân tích này phù hợp với số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tổng huy động trái phiếu Chính phủ qua kênh đấu thầu trong năm 2012 đạt 167.589 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. 80% số này do ngân hàng thương mại mua vào.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đức Thụ cũng thấy làm lạ khi huy động tăng nhưng cho vay gần như không nhúc nhích. Ông thắc mắc về sự đóng góp vốn của ngân hàng nếu không tính gộp cả phát hành trái phiếu. "Nếu loại trừ việc mua trái phiếu thì trong số dư nợ tăng này có bao nhiêu phần trăm vào sản xuất kinh doanh và tác động đến tăng trưởng? Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này", ông Thụ yêu cầu.
Năm 2012, chuyện tính gộp trái phiếu Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã được Thống đốc đưa ra khi trả lời trước Quốc hội. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng một phần vốn huy động đã được đầu tư gián tiếp qua trái phiếu Chính phủ. Tốc độ giải ngân thực sự của hình thức cho vay Chính phủ này thường có độ trễ lớn và vốn không trực tiếp đến ngay với doanh nghiệp.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia kinh tế là thành viên cố vấn cho Ngân hàng Nhà nước cho rằng áp lực tất toán trạng thái trước ngày 30/6 có thể khiến nhiều ngân hàng phải dùng vốn huy động để mua vàng thời gian qua. Kể từ khi đấu thầu vàng, hơn 13 tấn (tương đương gần 1.500 tỷ đồng nếu tính giá trúng thầu trên 42 triệu đồng một lượng) đã được Ngân hàng Nhà nước bán hết và phần lớn do các ngân hàng thương mại mua vào. "Như vậy, lượng tiền các nhà băng mua vàng lấy từ đâu ra nếu không phải từ nguồn huy động", vị này nghi vấn.
Trong phiên làm việc mới đây của Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam kể nhiều cử tri ngân hàng chỉ làm tốt nghiệp vụ bán vàng thay vì cho vay. "Chúng tôi cũng hiểu Ngân hàng Nhà nước đã làm rất nhiều việc, nhưng những cái cụ thể để tác động vào doanh nghiệp, nền kinh tế thì chưa rõ. Cái cụ thể mà dân thấy nổi bật, nổi trội trong thời gian vừa rồi chủ yếu là bán vàng”, ông Lê Nam nói.