Nghiên cứu cho thấy, từ năm 2004 đến 2013 đã có 7,8 nghìn tỷ USD tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi các nước đang phát triển, thông qua nhiều kênh khác nhau như hóa đơn giả, các thỏa thuận thương mại bất hợp pháp…
Dòng tiền này tăng từ 465,3 tỷ USD năm 2004 đã vượt qua mốc 1 nghìn tỷ USD năm 2011 và tăng lên 1,1 nghìn tỷ USD năm 2013 với tốc độ tăng trung bình 6,5% mỗi năm – gần như gấp đôi so với GDP toàn cầu. Tiểu vùng Saharan châu Phi là nơi chịu mất mát nặng nề nhất với tỷ trọng dòng tiền bất hợp pháp chiếm tới 6,1% trong GDP hàng năm, trong khi các nước khác trung bình chiếm 4% GDP.
Theo danh sách này, Trung Quốc dẫn đầu trong giai đoạn 10 năm từ 2004 - 2013 với số lượng tiền bất hợp pháp chảy ra nước ngoài là 1,4 nghìn tỷ USD. Việc sử dụng hóa đơn giả đã trở thành một vấn nạn ở Trung Quốc, khiến Chính phủ nước này vào năm 2013 phải mở một chiến dịch để chống lại. Riêng năm 2013, lượng tiền chảy khỏi nước này đạt mức với 258,6 tỷ USD.
Tiếp theo là Nga với 105 tỷ USD, Mexico với 52,8 tỷ USD, Ấn Độ với 51,03 tỷ USD thất thoát mỗi năm.
Trong số các nước Đông Nam Á, quốc gia có dòng tiền “ngầm” chảy mạnh nhất ra nước ngoài là Malaysia, trung bình mỗi năm thất thoát gần 42 tỷ USD. Nước này đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách.
Tiếp đó là Thái Lan (vị trí 8) mỗi năm mất gần 19,2 tỷ USD, và Indonesia (vị trí 9) mất mỗi năm hơn 18 tỷ USD.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 18 trong số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển được GFI xếp hạng về độ lớn của dòng tiền “ngầm” chảy ra nước ngoài. Theo GFI, tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có hơn 9,29 tỷ USD tiền bất hợp pháp di chuyển khỏi biên giới, tức tổng cộng gần 93 tỷ USD trong vòng 10 năm qua.