03/05/2018 9:32 AM
Giá đất sốt nóng, người người ùn ùn đầu tư nhà đất như… phong trào là cơ hội để các sàn bất động sản (BĐS) ảo lừa đảo người dân.

Khu vực đang được cò giới thiệu là dự án Sơn Kim Land để thu tiền cọc của khách. Ảnh: S.Đ

Chỉ chỏ… rồi thu tiền cọc

Tại TPHCM, Thủ Thiêm hiện là khu vực bị… lừa “nóng” nhất hiện nay. Chiêu bài quen thuộc của các cò đất là quảng cáo và tập trung quanh khu Sala, New City… Khi khách có nhu cầu đi xem khu Sala, sẽ tư vấn khách mua dự án mới bên Thủ Thiêm “sắp ra hàng”.

Tự giới thiệu là nhân viên môi giới của Công ty BĐS Tầm Nhìn Chuyên Nghiệp, Q. hướng dẫn chúng tôi đến xem dự án của Sơn Kim Land. Chỉ cần cầm trên tay bản đồ quy hoạch chi tiết phân khu Thủ Thiêm là các cò đã vẽ ra cho khách hàng loạt dự án nói như… thật. Sau đó chỉ ngay lô đất đồng không mông quạnh quanh ranh giới đang rào làm đường, cò Q. nhấn mạnh: “Sàn em là đại lý cấp 1 của Sơn Kim Land. Đây là dự án liên doanh giữa Sơn Kim và Hongkong Land, căn hộ cao cấp và shophouse sắp mở bán. Nhà mình đặt cọc ngay 200 triệu đồng để giữ chỗ, không thì hết!... Sau này chọn không được căn vừa ý, chủ đầu tư sẽ hoàn tiền cọc ngay…”.

Chỉ cần gõ vào Google tìm kiếm 4 chữ “Dự án Thủ Thiêm”, sẽ có đến hơn 1 triệu kết quả. Thậm chí có khá nhiều trang web đầu tư công phu, giới thiệu chi tiết các dự án từ Thủ Thiêm River Park, Thu Thiem Lakeview… nhưng hầu hết đều là trang web ảo, chỉ có số điện thoại liên hệ, không có tên, địa chỉ công ty chủ quản trang web…

Chỉ 1 dự án của Sơn Kim Land mà cò đã “thổi” cho đủ thứ tên, nào là My Paradise, nào là Thủ Thiêm River Park; nếu khách phát hiện hỏi thêm, ngay lập tức sẽ chuyển sang giới thiệu: Dự án này khác, chủ đầu tư mới liên doanh, vừa được cấp phép, chưa có tên chính thức…

Cò còn truy cập thông tin của chủ đầu tư CII và Sơn Kim Land trên mạng công bố thông tin cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để sao chụp gửi khách y như… thật! Chỉ có điều, nếu khách hỏi giấy ủy quyền thu tiền cọc của chủ đầu tư thì các văn phòng môi giới này sẽ hẹn hoặc cung cấp cho khách đủ thứ giấy, từ giấy phép thành lập công ty, CMND của giám đốc công ty… nhưng không có tờ giấy ủy quyền nào.

Đã có khá nhiều trường hợp bị lừa, do vậy, ngày 27-4-2018 vừa qua, Sơn Kim Land đã treo “Thư ngỏ” trên trang web của công ty để chính thức thông báo về việc: “… Dự án Khu phức hợp Sóng Việt hoàn toàn chưa có chính sách chào bán ra thị trường… Nghiêm trọng hơn, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội còn đăng tải thông báo thay mặt chủ đầu tư Sơn Kim Land nhận tiền cọc giữ chỗ 200 - 500 triệu đồng cho một căn hộ… Những thông tin trên là mạo danh… mong khách hàng cần cảnh giác… tránh bị đối tượng xấu lợi dụng...”.

Một kiểu lừa đảo khác cũng rất phổ biến suốt mấy tháng qua, là “treo đầu dê bán thịt chó”. Chị H.Đ. kể lại, chị nhận được email và điện thoại mời đến dự lễ công bố dự án Belleza của chủ đầu tư Sacomreal giai đoạn 2. “Đang thời sốt đất mà nghe giới thiệu dự án đất nền ở đường Phạm Hữu Lầu, quận 7 có 3 triệu đồng/m2, ai mà không ham.

Nhưng gọi điện hỏi thì cò cứ nói loanh quanh… Tôi liên hệ người quen ở công ty này và được biết, dự án trên đã bán hết từ năm 2011, 2012 và Sacomreal cũng không còn, giờ đã đổi tên thành Công ty BĐS TTC… Thì ra ai đến dự lễ, cò sẽ chở về… Long An giới thiệu Belleza giai đoạn 2 ở đó chứ không phải quận 7, TPHCM!”, chị H.Đ. cho biết.

Bị lừa từ những cơn sốt trước…

Trong lúc thị trường nhà đất đang sôi sục nhưng nhiều người mua các dự án nhà ở và đất nền hơn cả chục năm, nay vẫn “ngậm ngùi” chẳng thấy nhà và đất mình mua ở đâu.

Bà N.T.B.Ngọc (quận 7) cho biết, năm 2004 bà ký hợp đồng với Tổng Công ty Thái Sơn mua nền đất dự án Thái Sơn 2, thuộc khu quy hoạch dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM), diện tích 140m2, giá 2,5 triệu đồng/m2, tổng trị giá hợp đồng là 350 triệu đồng. “Hợp đồng ghi rõ thời hạn giao nhận đất không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, nhưng đến nay tôi đã đóng tiền 2 lần với tổng trị giá tương đương 60% hợp đồng mà qua hơn 14 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy”, bà Ngọc cho hay. “Năm 2011, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư, lãnh đạo Tổng Công ty Thái Sơn cho biết, dự án đang gặp trở ngại trong công tác đền bù giải tỏa, do còn 30% diện tích đang trong quá trình thương lượng; đồng thời cam kết từ tháng 9-2011 san lấp mặt bằng và triển khai làm hạ tầng vào đầu năm 2012.

Tại buổi tiếp xúc với tập thể khách hàng vào tháng 5-2017, đại diện Tổng Công ty Thái Sơn cho biết, dự án này được TP thanh tra, kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành. Do đó, để hoàn thiện các thủ tục và hoàn tất giải phóng mặt bằng nên thời gian giao nền sẽ trong vòng… 3 năm, kể từ ngày có cuộc tiếp xúc này. Khách hàng nào không tiếp tục đầu tư thì có thể đề nghị thanh lý hợp đồng. “Mỏi mòn chờ hơn chục năm và bây giờ chủ đầu tư lại hứa hẹn tiếp tục đợi”, bà Ngọc ngao ngán.

Không chỉ riêng bà Ngọc, dự án này còn có khoảng 70 khách hàng cũng bị “dính”. Trong đó, nhiều người mua lại dự án vào thời điểm sốt đất năm 2006 với giá khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2, vị chi một miếng đất nền tại dự án này ở mức 2,5 - 3 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi và không biết đến khi nào mới nhận được đất để xây nhà.

Tương tự, anh H.M.Tín cho biết, năm 2009, anh tham gia mua “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland” của Công ty CP Bất động sản Việt Nam (Vinaland). Đây là chứng chỉ quyền mua nhà, dưới hình thức khách hàng cho công ty vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại dự án Vinaland Tower (quận 7) do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Theo hợp đồng, chủ đầu tư cam kết khách hàng có quyền đề nghị công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ. Trong trường hợp sau 60 tháng kể từ ngày khách hàng cho vay, công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ.

Anh Tín than rằng: “Đến năm 2014, tôi đã đóng cho Vinaland gần 300 triệu đồng. Căn cứ vào hợp đồng thì Vinaland phải trả cho tôi cả gốc lẫn lãi hơn 500 triệu đồng, nhưng rất nhiều lần tôi đến công ty đòi nợ nhưng không được giải quyết. Đến đầu năm 2017, Vinaland thông báo sẽ trả nợ bằng tiền nhưng không trả một lần mà trả nhỏ giọt, mỗi lần 10%, kéo dài đến năm 2019 mới trả xong phần tiền gốc và lãi suất mà tôi đã đóng”.

Điều đáng nói, dự án Vinaland Tower hiện đang được công ty này rao bán trên thị trường, thế nhưng anh Tín không được mua theo giá gốc do Vinaland lấy lý do anh Tín không gửi đơn xác nhận vẫn mua nhà về công ty nên họ mặc định anh Tín chọn phương án nhận lại tiền và lãi suất (?!). “Số tiền trả lại chia nhỏ ra coi như “nát” hết, muốn lấy tiền đó mua dự án khác cũng không được”, anh Tín ngao ngán cho biết. Vấn đề là luật của chúng ta chưa có quy định xử phạt những chủ dự án BĐS chây ì, treo quyền lợi người góp vốn, nên thiệt thòi nghiêng hết về người mua.

Cứ sốt đất là có lừa đảo, vì vậy những nhà đầu tư ăn theo phong trào cần cảnh giác nếu không muốn “tiền mất tật mang”. Đây cũng là lúc cơ quan chức năng cần công bố kịp thời các thông tin về quy hoạch, đầu tư và kiểm tra xử phạt nặng các trường hợp cò và sàn môi giới lừa đảo.

Song Đăng - Hạnh Nhung (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.