24/01/2018 11:48 PM
Sau sự kiện VAMC thu hồi cao ốc Sài gòn One Tower theo tinh thần Nghị quyết 42 cuối năm 2017 đã mở đường cho nhiều khoản nợ xấu của các NHTM thực hiện thu hồi nợ thuận tiện hơn.
Ngay sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực trong 5 năm kể từ 15/8/2017, Chính phủ đã có Chỉ thị 32 chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, nhằm giải quyết nhanh chóng tài sản đảm bảo nợ vay để hệ thống ngân hàng có thêm vốn đưa vào nền kinh tế.
Trong năm qua, NHNN đã chọn ra 6 TCTD gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB, Sacombank thí điểm thu hồi nợ theo Nghị quyết 42. Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo trong lực lượng cảnh sát phối hợp với hệ thống ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết 42.
Trả lời Thời báo Ngân hàng, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, mặc dù chưa phân tách được số nợ thu theo Nghị quyết 42 trong tổng số nợ xấu thu hồi trong năm qua, nhưng tổng số lượng nợ xấu thu hồi trong năm 2017 đạt 4.000 tỷ đồng, mức thu hồi nợ cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó phương pháp bán tài sản đảm bảo nợ vay của ngân hàng nhận được sự phối hợp quan trọng giữa các bộ, ngành với một số địa phương trong thực hiện Nghị quyết Quốc hội.
Sacombank cũng giải quyết được khoảng 19.000 tỷ đồng trong tổng số nợ xấu 43.000 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm 2017 ngân hàng đã quyết toán thanh lý hầu như các khoản nợ có liên quan đến sự kiện năm 2012 (Bầu Kiên) và dự kiến trong quý I/2018 ACB sẽ lấy toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC về xử lý là xong.
Theo giới chuyên môn, Sacombank đẩy nhanh hoạt động thu hồi nợ trong mấy tháng cuối năm 2017 do trước đó cựu phó chủ tịch Sacombank Trầm Bê đã ủy quyền toàn bộ số cổ phần cho NHNN. Đối với những khoản nợ của ACB dễ xử lý, do những năm trước đây ngân hàng có tỷ lệ cấp tín dụng trên tài sản đảm bảo tương đối an toàn. Riêng những khoản nợ của khối NHTM có vốn Nhà nước chi phối có thể sẽ khó khăn hơn do vướng mắc ở các khâu định giá tài sản đảm bảo nợ vay và các DNNN lại đang trong quá trình cổ phần hóa.
Như vậy, sau sự kiện VAMC thu hồi cao ốc Sài gòn One Tower theo tinh thần Nghị quyết 42 cuối năm 2017 đã mở đường cho nhiều khoản nợ xấu của các NHTM thực hiện thu hồi nợ thuận tiện hơn. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau về xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến chuyển nhượng chủ sở hữu, quyền thu giữ nợ xấu có được các cơ quan hữu quan ủng hộ như một giải pháp chung hỗ trợ nền kinh tế.
Giới luật sư cho rằng, các bộ ngành cần sớm xây dựng một thông tư liên bộ hướng dẫn Nghị quyết 42 để việc thực thi các án liên quan đến ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác thu hồi nợ.
“Tôi cho rằng các bộ, ngành liên quan cần sớm hướng dẫn cụ thể các thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 42 vì đây là lợi ích chung của nền kinh tế chứ không phải của riêng ngành Ngân hàng” – Tổng giám đốc VietinBank nói. Nghị quyết 42 thêm một khuôn khổ pháp lý bên cạnh những quy định pháp luật đã có để các TCTD có thể thuận lợi hơn trong việc bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay đã quá hạn để luân chuyển vốn vào nền kinh tế.
Phạm Hà Nguyên (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.