08/11/2015 9:27 AM
Trong lúc ngân sách eo hẹp, Chính phủ chỉ đạo phải “thắt lưng buộc bụng” thì nhiều tỉnh, thành tiếp tục xin xây trung tâm hành chính với mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng

Sau Đà Nẵng, Bình Dương…, đến lượt nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh... tích cực lập dự án xây dựng trung tâm hành chính (TTHC).

Đua nhau xây trụ sở hoành tráng

Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản cung cấp thông tin liên quan đến dự án khu đô thị TTHC tỉnh này. Theo đó, TTHC mới của tỉnh được xây trên diện tích 37 ha, thiết kế giống như một tổ yến khổng lồ. Trong đó, tòa nhà chính quyền được tạo hình khối lớn như một quả trứng đang nở. Kinh phí đầu tư cho TTHC này lên đến 3.087 tỉ đồng.

Tại Nghệ An, phương án xây TTHC tỉnh cũng đã được lãnh đạo tỉnh này lựa chọn là 2 tòa tháp cao 27 tầng, gắn kết với nhau qua cầu nối tại tầng 21-22 của công trình. Dự án xây dựng trên diện tích đất sử dụng dự kiến 52.000 m2, trong đó khu TTHC có tổng diện tích sàn xây dựng 90.000 m2, kinh phí dự kiến 2.178 tỉ đồng.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập quy hoạch xây dựng TTHC tỉnh, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800-2.200 tỉ đồng. Ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trụ sở của các sở, ngành nằm phân tán, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng nên việc xây dựng TTHC tập trung là rất cần thiết.

Trong khi đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh, tỉ lệ 1/500. Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch 18,7294 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng. Đây sẽ là trụ sở làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh này.

Ông Hoàng Mai Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, lý giải tỉnh muốn gấp rút xây TTHC là vì trụ sở cũ của các sở, ngành đều đã xuống cấp, trong đó có những công trình tồn tại cả trăm năm, từ thời Pháp để lại, không bảo đảm an toàn. Thêm nữa, để thực hiện một cửa liên thông mà mỗi cơ quan lại nằm một nơi thì khó thể tiến hành được. Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - việc xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh sẽ được thực hiện phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Một phần sân bay Nha Trang hiện tại sẽ được giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Khánh HòaẢnh: Kỳ Nam

Thiếu ngân sách thì đổi bằng đất

Vấn đề mà dư luận quan tâm là trong lúc ngân sách eo hẹp, các địa phương lấy đâu ra tiền để xây trụ sở hàng ngàn tỉ đồng?

Ông Hoàng Mai Khương cho hay trong tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng của TTHC tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh dự kiến chi ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn các nguồn vốn khác, như vốn sau khi bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ khoảng 200 tỉ đồng; các nguồn thu sử dụng đất của một số dự án trên địa bàn tỉnh cùng vốn được hỗ trợ từ trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước đó, trong tháng 4-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án khu TTHC tỉnh Hải Dương.

Với một tỉnh mà nguồn thu ngân sách còn hạn chế như Khánh Hòa, người dân địa phương băn khoăn không biết tỉnh xoay xở đồng vốn thế nào để xây dựng TTHC hàng ngàn tỉ đồng. Liệu việc xây trụ sở có cần thiết, có vung tay quá trán?... Trả lời những câu hỏi này, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc xây dựng TTHC không sử dụng ngân sách nhà nước mà đầu tư theo hình thức BT. Hiện 2 nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã được UBND tỉnh đồng ý tham gia đầu tư dự án BT.

“Sau khi xây dựng TTHC, nhà đầu tư sẽ được sử dụng những khu “đất vàng” là trụ sở của cơ quan hành chính tỉnh, một phần sân bay Nha Trang hiện hữu để xây dựng nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp… Từ đó, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng, tạo các nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước” - ông Nhân lạc quan.

Để có trên 2.000 tỉ đồng xây TTHC tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Minh Đạo khẳng định ngoài việc trích ngân sách, tỉnh cũng sẽ tính phương án bán đấu giá đất các trụ sở chuyển đi nhằm huy động vốn.

Hải Phòng xây trụ sở gần 10.000 tỉ đồng

Theo UBND TP Hải Phòng, dự án xây dựng TTHC - chính trị TP đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ, ngành xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định.

Dự kiến diện tích sử dụng đất của dự án là 324 ha, tổng mức đầu tư 9.894 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương cấp 6.854 tỉ đồng, ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 3.039 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2020.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP HCM):

Phải tách bạch ngân sách trung ương và địa phương!

Vấn đề địa phương xây trụ sở, công viên…đã nói nhiều rồi. Tôi nhấn mạnh lại là không giải quyết căn cơ thì không thể được. Căn cơ ở đây tức là phải thay đổi, phải giải quyết được quy trình lập ngân sách. Cụ thể là phải tách biệt ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Phần nào của địa phương thì địa phương tự chủ, phần nào của trung ương thì trung ương quản lý. Còn nếu như lập ngân sách kiểu xin - cho như hiện nay là không kiểm soát được.

Giờ muốn sửa thì sửa từ gốc chứ cứ đi kêu chuyện người ta xây trụ sở hoành tráng mà không sửa cái gốc thì kêu hoài cũng vậy. Với một tỉnh nghèo, nhà nước hầu như bao cả y tế, giáo dục, giao thông… thì lấy tiền đâu làm trụ sở, công viên… hoành tráng? Cứ lồng ghép ngân sách trung ương với ngân sách địa phương thành cái chung là “ngân sách nhà nước” thì không giải quyết được.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Cần phải thắt lưng buộc bụng

Cần xem xét mô hình xây dựng trụ sở tập trung như một số địa phương có hiệu quả hay không, bởi tôi thấy nhiều nơi khen nhưng nhiều nơi chê. Thêm nữa, về vấn đề ngân sách, dù là ngân sách địa phương hay trung ương, thì cũng là của dân mà thôi. Trong khi đó, quyết định xây hay không xây thì không phải của dân mà là của “quan”. Nói cho cùng vẫn là “quan” dùng tiền của dân. Trong bối cảnh nợ công cao như hiện nay, kể cả nợ công địa phương cũng không nhỏ thì càng cần đòi hỏi phải thận trọng trong chi tiêu công.

Cần thấy là trong hoàn cảnh tài chính như hiện nay, phải tìm mọi cách tạo ra nguồn thu, phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể mang đến thêm phiền nhiễu, gánh nặng cho người dân.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Không nên đầu tư những thứ chưa cần thiết

Nợ công của chúng ta đang cao. Đến cuối năm 2015, nợ công đã lên đến 61,3% GDP, dự kiến cuối năm 2016 tăng lên 63,2% GDP, ngấp nghé với trần cho phép là 65% GDP.

Theo tôi, việc đầu tư xây dựng TTHC phải cân nhắc thời điểm nào, quy mô nào cho phù hợp. Những tỉnh đang nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương nhưng lại đầu tư vào các trụ sở, công trình như tượng đài, quảng trường quá lớn là không hợp lý.

Tôi đề nghị trong bối cảnh hiện nay, cần phải cân nhắc, rà soát các danh mục đầu tư, quyết định đầu tư một cách hợp lý, phù hợp. Không nên đầu tư những cái chưa cần thiết mà ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia, đến việc gia tăng nợ công của đất nước.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình):

Còn nhiều khoản cấp thiết phải chi

Tiền nào cũng là tiền thuế của dân, dù là tiền ngân sách hay xã hội hóa. Hiện nay, lương của cán bộ, công chức, viên chức còn rất thấp mà chưa có tiền để tăng lương; rồi nhiều khoản cấp thiết khác rất cần phải chi.

Do vậy, theo tôi, nếu không thật sự cấp thiết về nhu cầu (như trụ sở bị hư hỏng nặng) thì đừng xây, để tránh lãng phí. Trước mắt, tôi nghĩ các dự án xây trụ sở, đặc biệt ở các tỉnh nghèo, nên dừng lại, đến khi nào kinh tế khá hơn, có khả năng thì sẽ xây sau.

V.Duẩn - P.Nhung ghi

Nhóm PV (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.