Những ngày qua, cùng với sự biến động của giá vàng và USD khi vàng giảm mạnh tiếp cận về ngưỡng 37 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD tăng nhẹ sau khi Ngân hàng nhà nước chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%, lãi suất tiết kiệm USD giảm 0,5% thì xu hướng gửi tiết kiệm vẫn là kênh lựa chọn số 1 của người dân vì độ an toàn cao. Mặc dù, mức lãi suất huy động tại thời điểm này của các ngân hàng thương mại là khá thấp 7-8%/năm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự khó khăn của nền kinh tế, biến động khôn lường của các kênh đầu tư, người dân mất niềm tin do vậy dòng tiền mặt vẫn sẽ nằm ở ngân hàng mà khó có khả năng chuyển hướng sang bất động sản, vàng, USD, chứng khoán.
"Giá vàng sau một thời gian dài tăng mạnh thì việc giảm giá là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, theo quy luật mọi năm, khi vàng giảm sâu, nhiều người sẽ chuyển vốn từ vàng sang mua nhà, đặc biệt là khi giá nhà, đất hiện đã ở mức thấp thị trường bất động sản sẽ có ấm dần lên. Tuy nhiên, năm nay, xu hướng chuyển vốn đầu tư từ vàng sang thị trường bất động sản chưa rõ. Thị trường vẫn đang tiếp tục đóng băng khi lượng hàng tồn kho lớn, thanh khoản không có. Để phá băng thị trường bất động sản, trong thời gian tới, lãi suất phải giảm thêm. Đặc biệt, với nhu cầu về nhà ở, khi lãi suất giảm sâu, sẽ kích thích nhu cầu khách hàng vay vốn ngân hàng mua nhà để ở" TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết.
Hạ lãi suất vẫn chưa thể kích thích thị trường bất động sản
Theo đánh giá của TS Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đối với bất động sản, các hạn chế tín dụng đối đã được gỡ bỏ, các ngân hàng đã chủ động được xem xét quy mô tín dụng cho bất động sản, lãi suất ngân hàng đã giảm về mức có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường bất động sản những tháng đầu năm vẫn hết sức trầm lắng, các giao dịch không diễn ra hoặc diễn ra không có giá trị lớn. Các giao dịch đang có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn, một số đã ngừng hoạt động thậm chí phá sản.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì đang xảy ra với thị trường bất động sản, tại sao tiền chưa vận hành vào thị trường bất động sản mà ngược lại tiền lại có xu hướng vận hành ra khỏi thị trường bất động sản?
Tiến sĩ Trần Kim Chung cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc. Điều này có nghĩa hệ thống ngân hàng cần phải có tiền để chi phí cho quá trình tái cấu trúc, vì thế chưa thể có nhiều nguồn lực cho bất động sản. Bên cạnh đó, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ các hạn chế tín dụng với bất động sản và hạ lãi suất đã kéo theo đó luồng tiên gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ giảm đi. Hệ quả là lượng tín dụng dành cho bất động sản sẽ bị điều chỉnh trước khi có thể.
Bản thân thị trường bất động sản và hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường sau một thời gian đều bị gặp khó khăn về tài chính cũng như sản xuất. Một lượng vốn đến hạn phải được hoàn trả hệ thống ngân hàng trước khi có thể được giải ngân một nguồn vốn vay mới. Vì vậy, lượng tiền vận hành đến thị trường bất động sản nhỏ hơn lượng tiền đến hạn thanh toán. Lẽ tất yếu, tổng dư nợ tín dụng cho thị trường bất động sản giảm đi. Và trên thực tế, dự nợ tín dụng cho thị trường bất động sản đã không tăng mà giảm đi.
Bên cạnh đó, độ trễ chính sách là một trong những nguyên nhân căn bản làm tác động của việc hạ lãi suất, gỡ bỏ hạn chế đối với thị trường bất động sản chưa được vận hành. Từ chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có thời gian để hấp thụ chính sách và điều chỉnh hoạt động. Các khoản tiền gửi mới cần được hình thành để có thể chuyển hóa thành các khoản tiền vay.
Lẽ tất yếu, lượng tiền mới để giải ngân cho thị trương bất động sản cần có thời gian nữa. Hơn nữa, mới đây chỉ có trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh. Vấn đề lãi suất tiền cho vay đã được điều chỉnh hay chưa cũng chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần có thời gian và năng lực đàm phán mới có thể tiếp cận được vốn.