Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh thương vụ này sẽ đặt một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ dưới sự kiểm soát của nước ngoài, đồng thời gây rủi ro cho an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ. Ông Biden nhấn mạnh, đó là lý do tại sao tôi ngăn chặn thỏa thuận này, theo Reuters.
Quyết định của ông Biden đã giáng đòn chí mạng vào đề xuất mua lại US Steel gây tranh cãi nói trên sau một năm xem xét.
Thương vụ được công bố vào tháng 12/2023 và gần như ngay lập tức vấp phải sự phản đối trên khắp chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11/2024. Cả ông Donald Trump và ông Biden đều tuyên bố sẽ chặn thương vụ.
Thương vụ trị giá 14,9 tỷ USD được công bố với mục đích tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, do Nippon Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ tư thế giới trong khi US Steel có quy mô đứng thứ 24.
Được thành lập vào năm 1901, US Steel là một trong những công ty lớn đầu tiên của Mỹ và một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ. Số lượng nhân viên của hãng thép 123 năm tuổi này đạt đỉnh vào năm 1943 với 340.000 người. Trong khi đó, sản lượng đạt đỉnh vào năm 1953, khi công ty sản xuất 35,8 triệu tấn thép.
Tuy nhiên, US Steel bắt đầu tụt hậu so với các đối thủ cả trong và ngoài nước. Đến năm 2022, hãng thép này chỉ sản xuất được 11,2 triệu tấn thép và số nhân viên chỉ còn chưa đến 15.000 người.
Nippon Steel đã đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất toàn cầu của hãng lên 85 triệu tấn/năm, từ mức 65 triệu tấn/năm hiện nay, hướng đến mục tiêu dài hạn là 100 triệu tấn/năm.
Nippon Steel cho biết, tất cả các cam kết của US Steel với nhân viên, bao gồm các thỏa thuận đàm phán với nghiệp đoàn, sẽ được tuân thủ. US Steel vẫn giữ nguyên tên và để trụ sở ở Pittsburgh (Mỹ).
-
Thương vụ Nippon Steel mua lại hãng thép 123 năm tuổi của Mỹ với giá hơn 14 tỷ USD có diễn biến mới
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hãng thép 123 tuổi US Steel nên do người Mỹ sở hữu và vận hành, thay vì bán cho Nippon Steel (Nhật Bản).