07/02/2012 6:04 AM
Trong cơn bĩ cực của thị trường địa ốc, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản dù đã ký hợp đồng bán căn hộ cho khách hàng, nhưng vẫn thường trực nỗi lo thu hồi vốn, vì nhiều khách mua nhà không đủ tiền đóng theo tiến độ xây dựng.
Trong buổi trò chuyện đầu năm, ông Edward Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt tâm sự, một trong những mối lo lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp bất động sản là khả năng thu tiền từ khách hàng theo tiến độ xây dựng. Đơn cử, tại Dự án Tricon Towers (tại Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), phần lớn căn hộ đã bán cho khách hàng, nhưng việc thu tiền bán căn hộ đợt 2, đợt 3 đang gặp khó. Chủ đầu tư cũng đã chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng nhiều chính sách ưu đãi về giá bán, giãn tiến độ thanh toán, nhưng do tín dụng tiếp tục bị thắt chặt, thanh khoản của thị trường rơi vào bế tắc, nên việc thu tiền theo tiến độ dự án không được như mong muốn.

Trường hợp của Tricon Towers cũng là mối lo của nhiều chủ đầu tư khác vào thời điểm này. Dự án Mulberry Lane (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty CapitaLand Hoàng Thành (liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore) đã hoàn thành toàn bộ phần hầm – móng, nhiều toà nhà đã gần hoàn thành xây thô, nhưng việc thu tiền từ khách hàng rất khó. Thậm chí, chủ Dự án Mulberry Lane còn đối mặt với những đe doạ kiện tụng từ phía khách hàng vì theo quy định mới, việc mua bán phải thanh toán bằng đồng Việt Nam, song những hợp đồng mua bán dự án này ký từ những năm 2008 – 2009 cam kết thanh toán bằng USD.


Cái tiếng lãi bạc trăm tỷ đồng của một thời chưa xa đang khiến doanh nghiệp địa ốc khó làm ăn vì thị trường đang quay lưng với bất động sản theo hiệu ứng đám đông. Thị trường khó khăn đến nỗi, mới đây, Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc), chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp Daewoo-Cleve (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) phải tung ra một kế hoạch kinh doanh hết sức “mềm lòng” khi cho phép khách hàng mua căn hộ vay tiền để đóng đợt 2 và đợt 4 với lãi suất ưu đãi 12%/năm. Số tiền mà Inpyung bỏ ra hỗ trợ lãi suất, kích cầu cho dự án của chính họ có thể không lớn so với tổng vốn đầu tư dự án hơn 420 triệu USD, nhưng nó phản ánh trung thực tình cảnh thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm hiện tại.


So sánh với Dự án Keangnam Landmark Tower (Hà Nội) cách đây không lâu cũng của Hàn Quốc, với gần 1.000 căn hộ bán đắt như tôm tươi với mức giá khoảng 3.000 USD/m2 cùng với khoản tiền chênh lệch cho môi giới từ 5 – 10% giá trị căn hộ, thì mới thấy tình cảnh của những dự án đi sau trong thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn.


Và điều đáng lo hơn nữa là, mặc dù khuyến mãi, giảm giá, nhưng thanh khoản của thị trường vẫn không mấy cải thiện. Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường của một số công ty môi giới bất động sản uy tín tại Việt Nam như CBRE, Knight Frank hay Savills Việt Nam, thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam phân khúc căn hộ đang “giảm dần đều”, liên tục quý sau thấp hơn quý trước từ cuối năm 2010 đến nay.

Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.