Ông Matt Ryland, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BritCham) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, ông Matt Ryland – Giám đốc điều hành BritCham cho biết năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt hơn 8 tỷ bảng Anh.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 6,8 tỷ bảng với các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, nông sản và đồ gỗ. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Anh vào Việt Nam đạt 1,3 tỷ bảng (khoảng 46.300 tỷ đồng), tập trung vào dược phẩm, thiết bị y tế, công nghệ tài chính và giáo dục, phản ánh sự gia tăng đáng kể về nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế.
Mối quan hệ đầu tư cũng được ghi nhận có bước tiến rõ rệt. Hiện Anh đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ bảng vào Việt Nam, với các lĩnh vực chủ chốt gồm năng lượng, y tế, tài chính. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Anh hoạt động tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, với hơn 400 công ty, dù trong đó có những tên tuổi lớn như HSBC, Unilever và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng mở rộng.
Dù đánh giá cao tiềm năng hợp tác, đại diện BritCham cũng thẳng thắn nêu lên những vướng mắc đang cản trở luồng thương mại và đầu tư. Một trong các vấn đề nổi bật là quy trình hải quan tại các cảng lớn như Hải Phòng và Cát Lái vẫn còn thiếu nhất quán, gây khó khăn trong phân loại hàng hóa và thông quan. BritCham đề xuất áp dụng phương pháp kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro, nhằm đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả hơn trong xử lý hàng hóa.
Việc triển khai hóa đơn điện tử chưa đồng bộ cũng là rào cản lớn. Ông Matt Ryland kiến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau đối với chứng từ điện tử và chi phí số, từ đó hỗ trợ tiến trình thương mại không giấy tờ.
Thủ tục pháp lý và hành chính tiếp tục là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Anh, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thủ tục xin giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép lao động còn rườm rà, thiếu rõ ràng và thời gian xử lý kéo dài, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh Vương quốc Anh vừa gia nhập CPTPP và cam kết mở rộng hợp tác sâu với các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những cải cách sắp tới không chỉ giúp gia tăng luồng đầu tư Anh vào Việt Nam, mà còn củng cố vị thế Việt Nam như một trung tâm sản xuất – thương mại hấp dẫn trong khu vực.
-
Tại tọa đàm hợp tác Anh – Việt ngày 27/6, ông Warrick A. Cleine MBE – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách Doanh nghiệp Anh quốc (BCAC), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam và Campuchia đã nêu một loạt đề xuất trọng điểm nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính Quốc tế.
-
Doanh nghiệp Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu quốc gia thu nhập cao vào năm 2045
Tại buổi tọa đàm hợp tác doanh nghiệp Anh – Việt Nam diễn ra ngày 27/6, đại diện Vương quốc Anh tái khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
-
Tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Vương quốc Anh, chiều 17/3 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có cuộc gặp với Ngài Lord Livermore – Thứ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Anh nhằm trao đổi về các định hướng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.







