Quy định cho phép doanh nghiệp bất động sản được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản bị thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ là bất hợp lý, cần bãi bỏ.
Doanh nghiệp bất động sản cho rằng đang bị phân biệt đối xử về thuế Ảnh: Diệp Đức Minh
Bất công với doanh nghiệp BĐS

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, nhận xét quy định tréo ngoe này đã kéo dài nhiều năm, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc thêm khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Bởi không phải DN bất động sản (BĐS) nào cũng chỉ kinh doanh địa ốc đơn thuần, mà có những công ty, tập đoàn kinh doanh đa ngành, như nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, Tập đoàn taxi Mai Linh cũng đầu tư vào BĐS, hay Công ty CP Nhà Thủ Đức (Thuduc House) kinh doanh chợ đầu mối... “Những DN kinh doanh đa ngành nghề đều đầu tư từ nguồn vốn của họ thì họ phải được quyền cân đối tài sản, cân đối thu chi. Vốn trong một DN là bình thông nhau, nhưng họ lại không được bù trừ lãi lỗ là không công bằng. Trong kinh doanh có thời cơ, may rủi, có công ty đã lên đời nhờ BĐS nhưng nhiều công ty cũng sụp đổ vì BĐS. DN đã trả giá vì lỗ BĐS thì họ cũng phải được đối xử công bằng như DN các ngành nghề kinh doanh khác”, ông nói.

Lấy chính DN mình là minh chứng, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết hiện công ty đang kinh doanh nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực BĐS và siêu thị. Nhưng lĩnh vực siêu thị của công ty mấy năm nay lỗ liên tục do mới đưa vào hoạt động, chưa đủ sức cạnh tranh với các siêu thị lớn đã có thâm niên trên thị trường. Trong khi hoạt động kinh doanh BĐS của công ty khá hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, nhưng cơ quan thuế không cho phép lấy lợi nhuận của BĐS bù cho mảng siêu thị, dẫn đến lãi BĐS vẫn phải đóng thuế từng đồng còn lỗ của siêu thị thì “treo” ở đó. “Cùng một công ty nhưng hoạt động ở nhiều mảng khác nhau nên cho tôi lấy lời của mảng này bù cho mảng kia chứ. Ví dụ như kinh doanh khách sạn, vật liệu xây dựng, dịch vụ... cái này lỗ cái kia lời thì bù qua sớt lại, trên cơ sở đó mới đóng thuế. Chỉ riêng BĐS thì không được là quá bất công cho chúng tôi”, ông Nghĩa bức xúc.
Lãnh đạo một công ty BĐS hiện đang kinh doanh thêm ngành xây dựng, cho biết năm 2015 mảng vật liệu xây dựng công ty lỗ 10 tỉ đồng, trong khi kinh doanh BĐS công ty lời trên 50 tỉ đồng. Nếu là các ngành nghề khác, công ty được chuyển lợi nhuận qua ngành vật liệu xây dựng 10 tỉ và chỉ đóng thuế thu nhập DN trên 40 tỉ đồng. Nhưng theo quy định hiện hành, công ty phải đóng thuế TNDN cho tất cả khoản lợi nhuận của BĐS là 50 tỉ đồng mà không được bù trừ khoản lỗ 10 tỉ lỗ kinh doanh vật liệu xây dựng. “Đây là một sự phân biệt, đối xử bất công và có cái nhìn kỳ thị đối với các DN BĐS”, vị này nói.
Bị đối xử như "con ghẻ"
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, phân tích rõ hơn: Theo luật DN 2014, một DN không bị giới hạn ngành nghề đăng ký, cũng như DN được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Những DN đa ngành khi báo cáo trước đại hội cổ đông là báo cáo tổng thể lãi lỗ bù trừ giữa các ngành nghề, tổng hợp hoạt động các công ty con hay thành viên, chứ đâu thể báo cáo cổ đông là lãi BĐS, phần khác lỗ nhưng không bù đắp được. Điều này cũng có thể đánh giá sai lệch hiệu quả quản trị điều hành của DN. Hơn nữa, nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty là mua cả các hoạt động kinh doanh của công ty đó, chứ đâu thể nào mua riêng một mảng kinh doanh nào mà buộc DN phải hạch toán riêng một phần lãi.
Chưa hết, ông Nam phân tích: “Ngoài việc cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN, Thông tư 78 của Bộ Tài chính còn cho phép chuyển lỗ giữa các quý trong cùng một năm với hầu hết các ngành nghề. Còn nếu khác năm, thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm. Quy định đối với các ngành nghề đã thông thoáng đến mức như vậy, trong khi DN BĐS vẫn còn bị bó buộc là quy định bất hợp lý, không công bằng.
Theo tổng giám đốc một công ty địa ốc, trong luật DN và các luật liên quan đến BĐS như luật đất đai, nhà ở… không gọi BĐS là ngành nghề đặc biệt, thì việc quy định thuế phân biệt đối xử như trên là không có căn cứ pháp lý. “Hơn 20 năm qua, BĐS có vị thế lớn trong đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng, tạo dựng nhà ở, đô thị, cao ốc văn phòng, bệnh viện, khách sạn, BĐS công nghiệp… BĐS làm ra nhiều của cải lại bị phân biệt đối xử như “con ruột, con ghẻ” khiến DN nản lòng”, ông này nói.
Hồng Sương - Đình Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.