Hơn hai năm trước, một chính sách về nhà ở cho những đối tượng gặp khó khăn đã được ban hành. Gần 800.000 người nghèo đô thị, chiếm khoảng 30% tổng số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị khi đó thấp thỏm mừng thầm. Nhưng nỗi mong chờ ấy chắc phải một thời gian dài nữa mới thành hiện thực.
Thực hiện chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp: Bộn bề khó khăn Triển khai ngược

Thời điểm đó, với gói đầu tư tổng mức 49.000 tỷ được công bố, rất nhiều người, trong đó có cả các doanh nghiệp, đã kỳ vọng vào một cơ hội mới (sẽ có nhà ở/việc làm)?! Nhưng, cũng thời điểm này, các chuyên gia cũng cảnh báo, mô hình nhà xã hội là một mô hình ở mới (chưa có tiền lệ ở Việt Nam) cần thực hiện trong một khuôn khổ chính sách minh bạch và tính pháp lý rõ ràng. Song dường như, trong cơn phấn khích của cả các nhà hoạch định lẫn doanh nghiệp, người ta đã không lường hết được những khó khăn phát sinh mà đến hôm nay chính họ phải đau đầu.

Khi đó, trong một cuộc họp báo, đích thân Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã cho rằng, tư tưởng chủ đạo của chính sách nhà ở xã hội là làm thế nào để người có thu nhập thấp được định cư trong những điều kiện tốt nhất có thể. Nhưng ý tưởng tốt đẹp ấy cần phải được thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý cũng như các vấn đề kỹ thuật cụ thể. Đó là một hệ thống chính sách đồng bộ; các chính sách về đất đai, nhà ở phải thực hiện song hành với các chính sách về khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội, phát triển các quỹ nhà ở xã hội, nâng cao thu nhập của người lao động, bảo hiểm nhà ở, thuế thu nhập đối với người lao động, thuế bất động sản...

Chưa có đầy đủ các điều kiện kể trên, việc triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội vẫn được tiến hành. Và hôm nay, rất nhiều vướng mắc phát sinh. Không chỉ các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia chương trình nhà ở xã hội (trong đó có nhà cho các đối tượng thu nhập thấp) cảm thấy bế tắc, chán nản mà ngay cả những đối tượng chính của chương trình là những người gặp khó về nhà ở cũng phải thốt lên rằng: Có quá nhiều điều bất cập của chính sách khiến "giấc mơ" có nhà của họ quá xa vời.

Quá nhiều vướng mắc

Sau hai năm triển khai, hàng loạt vướng mắc đã phát sinh. Chẳng hạn, việc khoanh vùng đối tượng được xét duyệt mua nhà thu nhập thấp. Theo quy định ban đầu của thành phố Hà Nội, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành mới là đối tượng được nộp đơn mua nhà.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ban hành, quy định này đã trở nên lỗi thời vì không thấy mấy ai là người nội thành đến nộp đơn xét duyệt mua nhà. Bất đắc dĩ, đầu tháng 3/2011, trong lần mở bán tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, thành phố đã phải phá lệ khi bãi bỏ quy định giới hạn hộ khẩu nội thành, thay vào đó là tất cả người dân có hộ khẩu tại Hà Nội có thể tham gia đăng ký mua nhà.

Thêm nữa, nhiều người cũng không mặn mà với chương trình nhà thu nhập thấp vì thực tế giá bán của những căn hộ thuộc diện này lại không được như tên gọi, trong khi địa điểm, vị trí dự án lại cách trung tâm thành phố trên dưới 20 km. Giá thành mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư cũng khác. Tại dự án ở Xuân Mai, giá chỉ là 8,8 triệu đồng/m2, nhưng dự án Ngô Thì Nhậm thì đã trên 11 triệu đồng/m2, rồi đến dự án ở Sài Đồng, giá đã là 13,3 triệu/m2.

Ngoài ra, việc chưa có một quy chuẩn cho xây dựng nhà ở loại này nên chủ đầu tư buộc phải áp dụng xây dựng theo quy chuẩn nhà cao tầng. Do đó, ngoài việc phần xây thô nhà phải đảm bảo chất lượng, thì phần hoàn thiện cũng khó rẻ hơn vì cửa kính, cửa gỗ của nhà cũng phải đảm bảo an toàn, các thiết bị ngầm cũng phải làm chất lượng tốt... khó có thể hạ giá thành theo nguyện vọng của người dân.

Đó chỉ là những vướng mắc về "bề nổi". Ngoài ra còn rất nhiều vướng mắc "khó nói" khác mà nhiều doanh nghiệp sau khi đã "lao" vào các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chẳng thể kêu được.

Vậy nên, nếu đã quyết làm, cần có một chương trình dài hơi, cách làm toàn diện gắn với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Bằng không, những khó khăn sẽ lặp lại và không thể tháo gỡ.


Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã chấp thuận cho phép khởi công cũng như đã và đang triển khai các thủ tục, tổng cộng là 11 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn với tổng diện tích đất ở (không kể diện tích hạ tầng kỹ thuật-xã hội của dự án) là 21 ha, xây dựng khoảng 11.700 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 41.600 người.

Tính đến cuối tháng 8/2011, đã có một dự án hoàn thành là tòa nhà chung cư cao tầng CT1 - Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) của Công ty Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, với tổng cộng 328 căn hộ được bán ra. Ngoài ra, có 5 dự án đã khởi công xây dựng với 3.422 căn hộ tại Kiến Hưng (Hà Đông) và Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm) đã đủ điều kiện tổ chức nhận đơn, ký hợp đồng mua bán nhà với người dân có nhu cầu mua nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo Cẩm Tú (Báo TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.