Các chuyên gia đề xuất, không nên quy định thời hạn sử dụng đất, từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài.
Tính đến tháng 8/2013 cả nước có gần 43.000 hộ bỏ ruộng, nhiều hộ đã bỏ hoang ruộng 4-5 năm nay. Các nông lâm trường cũng đã trả lại cho địa phương khoảng 452.000 ha. Chính sách đất đai hiện hành đã bộc lộ rõ một số bất cập.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội.
Hội thảo Điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam
Tính đến năm 2016, cả nước có 27,302 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó, đất lâm nghiệp chiếm gần 55%, đất nông nghiệp chiếm hơn 42% tổng số đất nông nghiệp. Song, đất nông nghiệp ở nước ta còn phân tán, nhỏ lẻ.
Cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn nhỏ, khác nhau; trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa ruộng; chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ nhau.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, hiện văn bản liên quan đến đất đai rất nhiều, bao gồm: Hiến pháp, Luật đất đai năm 2013, 11 Nghị định và 35 Thông tư.
Tuy nhiên, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện quá chi tiết đến từng nhóm đất nhỏ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phức tạp, có những địa phương còn hạn chế loại cây trồng trên đất.
Điều này làm cho khó phát huy tối đa tính năng, vai trò của từng loại đất, hạn chế sự linh hoạt điều chỉnh theo tín hiệu thị trường; cung cầu bị chia cắt theo vùng. Việc áp dụng hình thức giao đất không thu tiền là chưa phù hợp với nguyên tắc của thị trường, chưa tạo được sự bình đẳng và phần nào làm cho hiệu quả sử dụng đất không cao.
Ảnh minh họa: KT
Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cản trở lớn nhất đối với người mua, thuê thêm đất là thời gian sử dụng đất ngắn (chiếm 95%).
Để tăng tính linh hoạt cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Ban, Ban Chính sách Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quản lý đất đai có 5 nội dung cơ bản là: quy hoạch đất đai, giao cho thuê, thu hồi, thanh tra và kiểm tra giám sát. Để mua bán được tất cả phải hành động và phải biến đất đai cuối cùng là tài sản và vốn thực thể trong xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị như: không nên quy định thời hạn sử dụng đất, từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài; đồng nhất với các loại hình đất khác; đồng thời, nên điều chỉnh nới rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất hoặc thay hạn mức “cứng” (không quá 10 lần) như hiện nay bằng hạn mức “mềm” đó là sử dụng chính sách thuế lũy tiến theo mức sử dụng đất…/.
Cẩm Tú (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.