Một diện tích đất lớn nằm trong dự án đang “trùm mền”
Thu hồi đất rồi bỏ hoang...
Theo tìm hiểu, Dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây nằm trên địa bàn hai xã Lộc Tiến và Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Khu công nghiệp có diện tích 170,19ha; khu phi thuế quan diện tích 487,59ha gồm nhà máy, khu hành chính, thuế quan, quảng trường...
Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là nơi tập trung của các hoạt động thương mại và các loại hình công nghiệp sạch, công nghệ cao; thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2014 nhưng đến nay là năm 2019 vẫn chưa xong. Sau lễ khởi công cách đây hơn 10 năm, nhà đầu tư triển khai xây dựng 7 nhà xưởng với diện tích hơn 25.000m2, tuy nhiên đến nay các nhà xưởng này chưa có mái và chưa hoạt động.
Vào năm 2016, chủ đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án. Đất quy hoạch, thu hồi chỉ toàn cây hoang, cỏ dại. Có mặt ở dự án, PV nhận thấy nhiều nơi nhếch nhác, cây cối um tùm, nhiều đống đất đá lộn xộn, trâu bò gặm cỏ xung quanh...
Phản ánh với PV, các hộ có đất bị thu hồi ở giai đoạn 4A (phần vệt cây xanh) cho rằng dù đất đang hoang hóa nhưng lại tiếp tục thu hồi đất của những người đang sống yên ổn ở thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh. Giai đoạn này có tổng diện tích đất thu hồi 12,4ha.
Ông Nguyễn Tịnh (80 tuổi) chia sẻ, ông đang là chủ sở hữu 7 quyển sổ đỏ đất rừng sản xuất, tính tổng 7.458m2 nhưng phương án hỗ trợ đền bù huyện Phú Lộc đưa ra chỉ 5.650m2. Vậy hơn 1.800m2 đất của ông không biết đi đâu...
Người dân đang lo lắng dự án sẽ khiến họ mất đất, mất tiền...
“Không những đất rừng, các loại đất khác họ cũng đo thiếu của nhà tôi. Trong những lần đối thoại, tôi đã trình bày thiếu đất nhưng cơ quan chức năng không hề về đo lại, cứ gửi giấy mời đi nhận tiền đền bù, thiếu như vậy sao tôi nhận được. Tôi có cả đất rừng sản xuất, cả đất trồng cây, nhưng cán bộ thực hiện tính toán kiểu mập mờ. Khu đất của tôi bị cho là đất rừng nhưng đất bên cạnh của hộ khác cũng như vậy lại được đền bù là đất trồng cây. Giá đất rừng 1m2 được 3800 đồng, còn đất trồng cây giá gấp hơn 5 lần như vậy...”- ông Tịnh nói.
Trong khi đó, ông Lê Phước Chung (63 tuổi) cho hay, đất trồng cây sau vườn nhà ông chỉ được đo 275m2, sau nhiều lần yêu cầu, cán bộ đo lại giờ đã hơn 500m2. Ông Chung cho rằng phương án tái định cư trong dự án này cũng bất hợp lý, thiếu tình người...
Theo người dân, 1m2 đất ở đây giá trị thị trường 4 triệu đồng nhưng thu hồi, đền bù giá chỉ 20 nghìn/1m2. Năm hộ gồm Nguyễn Tịnh, Lê Phước Chung, Nguyễn Thị Thí, Lê Phước Thỉ và Lê Phước Điềm nhận đền bù mỗi hộ chừng 1 tỷ đồng, nếu xây nhà, làm “sổ đỏ” ở nơi tái định cư đã mất hơn 500 triệu. Dự án mở ra, coi như họ mất hết...
“Các hộ chúng tôi còn nhiều vướng mắc, mong muốn chính đáng, nhưng chưa được giải thích rõ, đang đi kiện ra tòa thế mà chính quyền đã đòi cưỡng chế, quá gấp”- anh Lê Phước Thỉ bức xúc.
Người dân đang chờ cơ quan chức năng và doanh nghiệp giải quyết hợp lý hơn...
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc, từ năm 2011 thì giai đoạn 4A (phần vệt cây xanh) đã tiến hành kiểm kê nhưng chủ đầu tư không chuyển tiền chi trả nên tạm ngừng, sau có chủ trương thu hồi đất nên đơn vị kiểm kê từ năm 2017 và lên phương án hỗ trợ vào ngày 20/7/2018.
Hiện còn 5 hộ chưa nhận tiền với diện tích chưa giải phóng 3,1ha. Trong dự án trên, chủ đầu tư dự kiến đầu tư hạ tầng làm đường, san lấp mặt bằng, cho các doanh nghiệp thuê lại (hiện mới chỉ có 3 gói thầu); khi có nguồn lực sẽ xây chung cư cho thuê hoặc bán. Việc thu hồi đất sẽ qua nhiều giai đoạn; hiện mới giải phóng mặt bằng 120/600ha.
Giải thích việc hộ ông Nguyễn Tịnh tố còn mập mờ giữa đất rừng và đất trồng cây, Trung tâm cho rằng do hộ ông Tịnh khi làm thủ tục cấp sổ đỏ không xem tại sao bìa mình là cấp đất rừng sản xuất chứ không phải đất trồng cây lâu năm và “lúc dính tới đền bù bị áp giá thấp mới khiếu nại”.
Cơ quan chức năng đã rà soát, trong 12 thửa đất có giấy, đã chuyển được 5 thửa sang đất trồng cây, còn 7 thửa không điều chỉnh được.
Với việc đền bù thiếu 1.800m2 đất cho hộ ông Tịnh là “do đo vẽ thực tế, bóc tách vì ở đó có lăng mộ của người khác trên đất”...
Liên quan đến vụ việc, ông Đặng Ngọc Trân - Bí thư Huyện ủy Phú Lộc thông tin, do đất ở đó nằm trong khu kinh tế nên việc giải phóng mặt bằng phải theo quy định pháp luật, giá đền bù do HĐND tỉnh ban hành, nằm ngoài thẩm quyền của huyện...
“Theo quy định, trong gia đình có hai hộ phụ trở lên mới được bố trí thêm lô tái định cư, luật không nói con đông. Hộ ông Chung đáng lẽ chỉ được cấp một lô nhưng chúng tôi đã nghiên cứu, vận dụng rồi xin tỉnh nên ông Chung mới có thêm một lô; tương tự hộ bà Thí chỉ có một người con trai, không thể cấp thêm lô nào. Chúng tôi đã vận dụng những gì tốt nhất cho bà con, trên cơ sở pháp luật cho phép...”- ông Trân giải thích.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, huyện đã gặp gỡ, đối thoại với 5 hộ dân trên, đã làm theo quy trình, ban hành kế hoạch cưỡng chế. Bà con chưa đồng thuận có quyền khiếu nại, nhưng việc cưỡng chế thu hồi đất vẫn thực hiện. Sau này nếu bà con khiếu nại đúng sẽ bồi hoàn, còn những người làm sai phải chịu trách nhiệm...
-
Hé lộ các dự nhà ở thương mại đủ điều kiện mở bán trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai được phép được mở bán của Sở Xây dựng từ trước đến hết tháng 12/2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế....
-
Điểm tên các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Nhiều dự án bất động sản hưởng lợi khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 1/1/2025, Thừa Thiên Huế sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ hội phát triển mới cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản.