Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng.

Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024. Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.

Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Còn 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP

Cùng với các nhiệm vụ cụ thể giao các bộ ngành, địa phương, cơ quan, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị phục vụ thật tốt Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội sắp tới và chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; lưu ý không điều hành "giật cục" và chính sách tài khóa phải tích cực hơn; sử dụng các công cụ linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng thu, tiết kiệm chi, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu (phát huy kinh nghiệm thành công từ áp dụng cho hệ thống bán lẻ xăng dầu).

Thủ tướng chỉ đạo sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm.

Về công tác quản lý, điều hành giá, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương"…

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc pháp lý cho các dự án, nhất là trong tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng; kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm.

Theo Thủ tướng, trước đây các dự án đầu tư công hay kéo dài thì nay việc này đang từng bước khắc phục, nhiều dự án đúng hạn.

“Dự kiến tới 30/6/2025, chúng ta có thể nối trục đường bộ cao tốc thống nhất từ Hà Nội tới TPHCM, tất nhiên còn một số đoạn tuyến phải mở rộng đúng tiêu chuẩn cao tốc”, Thủ tướng cho biết.

Trong phát triển công nghiệp, Thủ tướng đặc biệt lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào khai thác.

Với thị trường, người đứng đầu Chính phủ nêu yêu cầu tăng cường quản lý các mặt hàng nổi lên như giá vàng, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho người dân.

Một giải pháp quan trọng khác được lãnh đạo Chính phủ đề cập là chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1/7, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.