08/11/2023 1:09 PM
Song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, sẽ thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, tiệm cận với nhau.

Sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch cả về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có 3.000km bờ biển. Người dân thân thiện, mến khách, cần cù. Đây là những lợi thế của ngành du lịch.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn Thủ tướng, sáng 8/11. Ảnh: Quốc hội

Nhưng trên thực tế, du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch.

“Có những vướng mắc, khó khăn cả chủ quan và khách quan nhưng tôi cho rằng chủ quan là chính. Thực chất khi đại biểu gợi ý giải pháp thì cũng chính là nguyên nhân”, Thủ tướng nói.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.

Việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yêu và mong muốn của cử tri và nhân dân.

Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương

Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu lại câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) đề nghị Thủ tướng cho biết, việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm. Đây là nguồn tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển đất nước.

Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương được ban hành nhưng chưa thể thực hiện vì nguồn lực còn khó khăn do đại dịch và tác động từ tình hình quốc tế. Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

“Song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, tiệm cận với nhau”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động. Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp.

Phân cấp phân quyền không có nghĩa là giao khoán cho địa phương

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhắc đến Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao cho Chính phủ thể chế hóa, hiện đại hóa mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Nhưng đến nay sau gần 5 năm vẫn chưa thể chế hóa nội dung này. Bà Hạnh đặt câu hỏi khi nào Chính phủ thực hiện?

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận khuyết điểm về việc này và cho biết “giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì phải nhận khuyết điểm, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm”.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các bộ ngành để tập trung nhiệm vụ được giao, bản thân Thủ tướng và các Phó Thủ tướng phụ trách cũng phải vào cuộc phối hợp với bộ ngành để làm.

Đồng thời, đại biểu hỏi về việc có nhiều dự án khu du lịch trên 800 tỷ đồng nhưng là công trình thấp tầng và việc xây dựng không đòi hỏi kỹ thuật cao thì hoàn toàn địa phương có đủ năng lực thẩm định.

Bà Hạnh đề nghị Thủ tướng cho biết việc ủy quyền phê duyệt một số dự án như trên có phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền không?

Theo Thủ tướng, cần rà soát, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn, xem xét nếu gặp vướng mắc pháp lý thì tháo gỡ. Trong đó tổ chức thực hiện và phân cấp phân quyền thì phải nâng cao khả năng thực thi, tăng giám sát kiểm tra.

“Dự án có tính chất kỹ thuật thì các bộ ngành liên quan phải phối hợp với địa phương. Phân cấp phân quyền không có nghĩa là giao khoán cho địa phương, giao khoán cho cấp dưới mà phải tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ khi gặp khó khăn”, theo Thủ tướng.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.