01/07/2016 8:13 AM
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải quyết liệt đóng cửa rừng tự nhiên.

“Hà Nội có nghiêm túc xử lý tới cùng sai phạm trong vụ tòa nhà 8B Lê Trực không? Hay vẫn cứ để trơ trơ như thế? Hà Nội là phải làm gương cho cả nước”. Thủ tướng đã đặt ra vấn đề này tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 30-6 khi đề cập đến việc giữ kỷ cương phép nước trong một số vụ việc thời gian qua khiến người dân, dư luận chưa hài lòng.

Kiên quyết xử lý để làm gương

Trả lời Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, cho biết: Với công trình nhà 8B Lê Trực, đến nay TP Hà Nội đã chỉ đạo phá dỡ 328 m2 sàn mái tầng 19 nhưng chủ đầu tư công trình có chậm trễ thực hiện.

Thời gian tới UBND TP sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời tới đây UBND quận Ba Đình sẽ ứng trước kinh phí để phá dỡ phần sai phạm công trình này. “Chúng tôi bảo đảm thực hiện kiên quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Sửu hứa.

Ghi nhận cam kết của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh: “Vi phạm đã kéo dài quá lâu, tôi đã nghe chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo là chủ công trình này đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa xử lý hình sự”.

“Tình trạng này kéo dài nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến thủ đô và cả nước. Yêu cầu lấy việc xử lý công trình này làm gương trong lập lại kỷ cương, trật tự đô thị. Hà Nội phải cam kết rõ hơn trong việc xử lý sai phạm tại dự án nói trên, kể cả tìm biện pháp khác để xử lý chứ không để kéo dài. Phải coi đây là bài học chung cho việc xử lý các công trình vi phạm trên cả nước” - Thủ tướng yêu cầu.

Trước đó, ngày 28-6, Thủ tướng cũng đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp xử lý kiên quyết đối với công trình vi phạm 8B Lê Trực. Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi ngăn cản, gây khó khăn của các bên tham gia, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: TTXVN

Phải đóng cửa rừng tự nhiên

Liên quan đến việc đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng tiếp tục đặt vấn đề: “Tây Nguyên có kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên hay không?”.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Về rừng so với năm 1999, sau 15 năm diện tích rừng của tỉnh đã giảm 11%, tương đương 106.176 ha. Diện tích rừng hiện còn lại là trên 500.000 ha, độ che phủ còn 52,5%. Việc giảm diện tích rừng những năm qua là do việc chuyển đổi đất rừng, trong đó có việc làm thủy điện, do tình trạng phá rừng”.

Theo vị này, với tiêu chí xây dựng Đà Lạt là TP trong rừng, rừng trong TP, Lâm Đồng quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng trong việc đóng cửa rừng tự nhiên.

Vị đại diện này cũng khẳng định đến nay tỉnh này đã chỉ đạo các chủ tịch UBND xã trong một tuần phải đi kiểm tra rừng một lần, còn chủ tịch UBND huyện một tháng phải đi kiểm tra rừng hai lần. Khi phát hiện các điểm nóng về phá rừng là phải xử lý nghiêm, không để phát sinh điểm nóng.

Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và không mở rộng diện tích cây công nghiệp ở địa phương. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải đi đầu trong việc đóng cửa rừng tự nhiên và chuẩn bị bộ máy, chế tài để quản lý và thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Theo Thủ tướng, Chính phủ coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên.

“Nhân dân cả nước rất quan tâm đến việc đóng cửa rừng ở Tây Nguyên vì đây là nóc nhà Đông Dương, mất rừng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến các tỉnh miền Trung và Nam Bộ” - Thủ tướng nói.

Xây dựng thể chế phải đúng với tư duy đổi mới

Tại phiên họp, liên quan đến nội dung xây dựng thể chế, nhận định áp lực ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian qua là rất lớn, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ với kết quả hoàn thành 49 nghị định.

Quán triệt tinh thần không sao chép thông tư cũ vào nghị định mới, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm, giảm giấy phép con, theo đúng với tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc hơn nữa công tác xây dựng thể chế; đẩy nhanh thẩm tra văn bản; các bộ tăng cường bố trí cán bộ pháp chế.

“Chúng ta phải hoàn thành sớm, đúng số lượng nhưng phải bảo đảm chất lượng văn bản được ban hành, với tư duy đổi mới, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản mới này để giải phóng sức sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần rút ra những bài học kinh nghiệm

Đến nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2016 với bao nhiêu khó khăn, thách thức.

Với những sự việc xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta phải rút ra những bài học kinh nghiệm như vụ tai nạn kép máy bay khiến 10 quân nhân hy sinh. Kể cả vụ phá rừng ở Tây Nguyên, cũng như tiến hành việc xử lý sự cố môi trường sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết.

Hiện nay kỷ cương phép nước còn nhiều lộn xộn trong việc điều hành và quản lý, đặc biệt là bộ máy hành chính ở các địa phương liên quan. Phiên họp lần này phải làm rõ nguyên nhân chủ quan một cách cụ thể. Để chúng ta đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, đem lại niềm tin cho nhân dân. Chính phủ của dân và gần dân hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đặng Trung (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.