Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã dự hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sáng ngày 1/5, ngay sau hội đàm và cuộc gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã dự hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hội thảo do Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác đối tác số Việt Nam-Nhật Bản
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng cùng Ngài Thủ tướng Kishida Fumio dự Hội thảo này, một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Kishida Fumio, Thủ tướng Nhật Bản.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một trong những đặc điểm lớn, quan trọng hiện nay trên toàn cầu là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cuộc cách mạng về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển nhanh và bền vững.
Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã xác định: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…", "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...".
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ, hỗ trợ của Nhật Bản trong quá trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thực hiện đường lối chủ trương đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lân thứ tư. Các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Đến nay, kinh tế số đang dần được hình thành, phát triển nhanh; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hình thức kinh doanh, dịch vụ, chuỗi cung ứng... dựa trên nền tảng công nghệ số, từ đó tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn đánh giá đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều dư địa cho phát triển.
"Hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Đây là một quá trình không hề dễ dàng với vô vàn thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp, toàn diện, hiệu quả và đặc biệt là cần phải tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Kishida Fumio: Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế của chúng ta có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyên đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Hai quốc gia có thể hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của 2 quốc gia, theo đó chúng ta có thể tiến tới thiết lập một quan hệ hợp tác đối tác số.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng các đại biểu dự hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Việt Nam nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nhật nhắc lại vào tháng 11/2021, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã khởi động 3 sáng kiến về hợp tác đổi mới công nghệ, công nghiệp, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng Nhật Bản-Việt Nam. Kể từ đó, hai bên đã hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực này.
Thủ tướng Kishida Fumio đề cập cụ thể hơn 3 vấn đề.
Thứ nhất, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Do đó, hai bên cần hợp tác nâng cao năng lực, công nghệ cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Thỏa thuận về hợp tác đào tạo kỹ sư vừa được hai bên trao đổi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ góp phần cho mục tiêu đó.
Thứ hai, Nhật Bản và Việt Nam kỳ vọng giải quyết các vấn đề kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua chuyển đổi số, như số hóa các thủ tục thương mại, chuyển từ thực hiện thủ tục trên giấy sang thủ tục trên môi trường điện tử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng các đại biểu dự hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thứ ba là vấn đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo Thủ tướng Kishida Fumio, tác động của đại dịch COVID-19 đã giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này. Việt Nam nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, trong tổng số 92 dự án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng được Nhật Bản hỗ trợ tại ASEAN, Việt Nam đứng đầu với 39 dự án.
"Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn. Tháng 1 vừa qua, Nhật Bản công bố "Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á" và tôi mong muốn cùng ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước", Thủ tướng Kishida Fumio chia sẻ.
-
MBBank bán 49% cổ phần chi nhánh tại Campuchia cho ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Shinsei?
Tờ Bloomberg dẫn lời Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết, Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (MBBank) sẽ bán khoảng 49% cổ phần tại chi nhánh Campuchia cho Ngân hàng TNHH Shinsei của Nhật Bản với số tiền không được tiết lộ, sớm nhất là vào quý 4 năm nay.
-
Hà Nội phê duyệt đầu tư tuyến đường rộng 60m nối quốc lộ 3 với cầu gần 20.000 tỷ do Vingroup đề xuất đầu tư
Dự án tuyến đường nối quốc lộ 13 đến cầu Tứ Liên sẽ được đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng 7,9km, nền đường rộng 60m.
-
Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn diện các sàn giao dịch bất động sản
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các sàn giao dịch bất động sản trong khu vực.
-
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Sáng 14/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.