Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu điểm nhấn các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.

Tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa 15 sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất. Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại, lạm phát vẫn ở mức cao.

Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn, vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài, vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của doanh nghiệp, dự án đầu tư, những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Ảnh: Quochoi

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu điểm nhấn các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: H.Sang

Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp,…

Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực tăng trưởng GDP đạt trên 5%, có trên 3.000km vào năm 2025

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm 2023, người đứng đầu Chính phủ nhận định cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết; tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

“Cần nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%”, Thủ tướng nói.

Năm 2024, dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp khó lường, nền kinh tế trong nước chịu “tác động tiêu cực kép” với thách thức nhiều hơn. Do đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2024 là GDP tăng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số CPI là 4-4,5%.

Giải pháp thực hiện mục tiêu là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)…

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…

"Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.