Sáng 23/10, kỳ họp 6 Quốc hội khóa 15 khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu chương trình nghị sự với nhiều nội dung như lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn, giám sát, xây dựng luật.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết căn cứ chương trình kỳ họp đã được thông qua tại phiên họp trù bị, trong 22 ngày (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11), Quốc hội khóa 15 sẽ xem xét, quyết định những nội dung sau đây:

Thứ nhất, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có xem xét, quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương); xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026;

Sáng 23/10, kỳ họp 6 Quốc hội khóa 15 khai mạc tại Hà Nội,

Đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu phân tích đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan đồng thời đề xuất những biện pháp nhằm đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra.

Thứ hai, về công tác lập pháp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ một số vấn đề đặt ra đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là những dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.