Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ họp với những 'con sếu đầu đàn" doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sungroup, THACO, Hòa Phát, KN Holdings, T&T, Masan, Sovico, REE, Minh Phú… Ảnh: TTXVN
Và lãnh đạo 12 doanh nghiệp tư nhân gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC); Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn Thaco; Tập đoàn Hòa Phát (HPG); Tập đoàn TH; Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Tập đoàn Masan (MSN); T&T Group; Tập đoàn Sovico; Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE); Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn KN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, song đây là lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân - là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%. Một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, chỉ đạo điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp quan trọng, giúp Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi sau, về trước trong phòng, chống đại dịch COVID-19.
Cùng với chống đại dịch, tình hình thế giới diễn biến khó lường, nhất là khó khăn về phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân tiếp tục cùng cả nước vượt qua các khó khăn, thách thức khôi phục kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động an sinh xã hội với truyền thống “tương thân tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Cho biết, mặc dù còn không ít khó khăn, song sau gần 40 năm đổi mới, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay", đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thương dân cùng đất nước phát triển, với tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”; phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cùng cả nước tạo đột phá phát triển đất nước.
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tham gia tích cực thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó có thể chế, pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới của đất nước, cùng đất nước phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đạt các mục tiêu lớn vào dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2025).
Trong đó, hoàn thành một số công trình mang tính biểu tượng, như: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống đường bộ cao tốc; chăm lo tốt hơn công tác an sinh xã hội, với việc xóa nhà dột nát, nhà tạm vào năm 2025; không còn hộ đói nghèo vào năm 2030…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đặc biệt đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, SOVICO, TH...
Quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới...
Tại Hội nghị này, Thường trực Chính phủ muốn được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, cùng với các doanh nghiệp lớn tiên phong xác định và cùng thực thi các dự án mang tầm quốc gia, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
-
Keangnam Landmark 72 sắp đổi chủ?
Tập đoàn AON plc, chủ sở hữu của khu phức hợp Landmark 72, bao gồm tòa nhà cao thứ hai Việt Nam đang tìm cách bán toàn bộ cổ phần tại dự án này với giá hơn 1.000 tỷ won (tương đương 748,5 triệu USD).
-
Những dự án chung cư sẽ mở bán trong năm 2025 tại Hà Nội, không còn căn hộ dưới 65 triệu đồng/m2
Thị trường chung cư Hà Nội đã liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong năm 2024. Sang năm 2025, nhiều dự án sẽ được mở bán với mức giá cao nhất lên tới 270 triệu đồng/m2. Nguồn cung căn hộ giá dưới 65 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường....
-
Hà Nội: Hơn 100 dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất 2025 tại Mê Linh
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại huyện Mê Linh.
-
Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch).