12/12/2017 11:45 AM
Sau gần 1 năm xin thu phí không thành công và bị UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị dời trạm, nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới kết hợp nâng cấp QL3 vừa đề xuất 3 phương án để khỏi phá sản.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cienco4 (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, căn cứ hợp đồng BOT, nhà đầu tư đã đáp ứng điều kiện để thu phí và theo phương án tài chính cùng hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án lẽ ra bắt đầu thu giá dịch vụ từ đầu năm 2017, nhưng đến nay việc này vẫn chưa triển khai. Bình quân mỗi tháng, nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỉ đồng tiền lãi vay, cộng dồn từ đầu năm đến nay hơn 200 tỉ đồng (Chưa gồm trả gốc).
Để không bị vỡ nợ, nhà đầu tư đề xuất 3 phương án, trong đó phương án 1 giữ nguyên hai trạm thu giá (một đặt trên QL3 cũ và một trên QL3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới) theo hợp đồng đã ký kết và thực hiện phương án miễn giảm, giá đã được địa phương và nhà đầu tư thống nhất.
Phương án 2, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá; Trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng ngân sách.
Theo tính toán sơ bộ, dự án chỉ đặt một trạm thu giá trên tuyến QL3 đoạn Thái Nguyên – Bắc Kạn, Nhà nước phải hỗ trợ cho dự án hơn 2.000 tỉ đồng mới đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Còn theo phương án 3, nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án với tổng số tiền gần 3.000 tỉ đồng, gồm giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng và phần lãi đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Cũng liên quan tới công tác thu giá của dự án, trước đó, ngày 23.11, UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản 5317 đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ một trạm thu giá đặt trên QL3 cũ (Km77+922, QL3 cũ) và cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đặt trạm thu giá trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Thái Nguyên – Chợ Mới.
Đề cập tới vấn đề này, đại diện nhà đầu tư cho rằng các hạng mục bổ sung chỉ được thực hiện sau khi dự án thu phí hoàn vốn, đồng thời cần tính toán, xem xét phương án tài chính của dự án có khả thi hay không và phải được sự đồng thuận cao của các chủ thể, đặc biệt là phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, nhất là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 ngày 21.10.2017 về một số yêu cầu liên quan tới các dự án BOT giao thông.
Bên cạnh đó, đại diện này nhận định hợp đồng cũ chưa được thực hiện thì sẽ khó huy động vốn để đầu tư bổ sung.
Dự án có tổng chiều dài 65km với tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỉ đồng.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
KH (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.