04/01/2021 1:05 PM
Trong khi thu nhập giảm vì đại dịch Covid-19, thì giá nhà, giá đất tại nhiều địa phương lại tăng cao. Điều này đã khiến người dân lo lắng "hụt hơi" khi rượt đuổi với giá nhà.

Trong khi thu nhập giảm vì đại dịch Covid-19, thì giá nhà, giá đất tại nhiều địa phương lại tăng cao. Điều này đã khiến người dân lo lắng "hụt hơi" khi rượt đuổi với giá nhà.

Giá đất, giá nhà tại TP.HCM tăng cao: Người mua lo lắng

Sau hơn 12 năm ở trọ, chị Đỗ Ánh Nguyệt (quê Bến Tre) đã tích cóp được 1,3 tỷ đồng và có dự định mua một miếng đất tại TP.HCM để xây dựng nhà cửa.

Theo khảo sát vào đầu năm 2020, với 1,1 tỷ đồng, chị Nguyệt có thể mua được một miếng đất khoảng 35 m2, tại phường Long Phước, quận 9 hoặc một mảnh đất khác có diện tích 48 m2 tại quận 12.

Do công ty gần với quận 9, chị Nguyệt quyết định cuối năm nay, gom góp thêm tiền lương, thưởng để mua mảnh đất 35 m2 và xây nhà cùng một lúc.

Thế nhưng, trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các khoản lương, thưởng của chị Nguyệt bị cắt giảm đi 1/3 so với năm trước.

Thu nhập giảm vì đại dịch, người dân hụt hơi trước đà tăng của giá nhà - 1

Giá đất tại TPHCM đặc biệt là tại thành phố mới Thủ Đức liên tục tăng cao. Ảnh: Phạm Nguyễn

Trái ngược với thu nhập, mảnh đất mà chị Nguyệt có ý định mua tại quận 9 lại đang tăng cao. So với thời điểm đầu năm, giá trị đã tăng lên 15%, từ 1,1 tỷ đồng lên 1,35 tỷ đồng, tăng 250 triệu đồng so với dự kiến.

Kể cả mảnh đất tại quận 12, trong 1 năm cũng đã tăng từ 1,05 tỷ đồng lên 1,25 tỷ đồng, tăng khoảng 10%.

"Trong năm qua, dịch bệnh đã mang lại 2 hình thái trái ngược nhau, trong khi thu nhập giảm, nhưng giá nhà lại tăng mạnh. Với những người có nguồn thu nhập cố định như tôi, việc "chạy" theo giá nhà rất vất vả. Ở thời điểm hiện tại, nếu so tốc độ giữa thu nhập và giá nhà, rõ ràng tôi đã bị "hụt hơi" khó lòng đuổi kịp", chị Nguyệt nói.

Không chỉ riêng chị Nguyệt, việc giá nhà, giá đất tăng "phi mã" trong thời điểm cuối năm còn là nỗi lo của nhiều người.

Riêng tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, 3 đơn vị hành chính được quy hoạch trở thành thành phố mới Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM giá đất, giá nhà có sổ đỏ, pháp lý đầy đủ đã tăng 20% - 40% so với thời điểm đầu năm. Thậm chí, nhiều nơi tại quận 9, giá đất đã tăng gấp đôi.

Cụ thể, tại quận 9, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Nguyễn Xiển... là "mặt trận" nóng bỏng nhất. Chỉ trong 1 năm, giá đất đã tăng bình quân từ 30 triệu đồng/m2, lên 70 triệu đồng/m2.

Tại Thủ Đức, giá đất tại 2 phường Bình Thọ và Trường Thọ đang tăng "thẳng đứng", một số lô đất có vị trí đẹp, nằm gần đường lớn, giá đất đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.

Ở một số vùng ven TP.HCM khác như huyện Bình Chánh hay quận 12, giá đất, giá nhà cũng tăng nhanh, mức tăng dao động từ 15% - 30% so với hồi đầu năm. Ngay cả những dự án chung cư, giá bán một số căn hộ hạng B cũng đã tăng xấp xỉ 40 triệu đồng/m2, hạng C đội giá từ 25 triệu đồng/m2 lên 30 triệu đồng/m2.

Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý III/2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sở dĩ giá nhà tại TP.HCM tăng cao trong 2 năm qua là do nguồn cung trên thị trường đang dần cạn kiệt. Do đó, so với quý trước đó, giá bán căn hộ đã tăng mạnh từ 15% - 20%.

Trong khi đó, một số báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng, hiện tượng khan hiếm nguồn cung vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021, thậm chí cả năm 2022. Dưới tác động của yếu tố khan hiếm, giá nhà tại TP.HCM vẫn duy trì đà tăng tối thiểu từ 15% trong thời gian tới.

Thu nhập giảm vì đại dịch, người dân hụt hơi trước đà tăng của giá nhà - 2

Trong khi thu nhập giảm vì đại dịch Covid-19, thì giá nhà, giá đất tại nhiều địa phương lại tăng cao. Điều này đã khiến người dân phải lo lắng "hụt hơi" khi rượt đuổi với giá nhà. Ảnh: Phạm Nguyễn

Giá nhà, giá đất ở đâu đang hạ nhiệt?

Giá đất, giá nhà tăng mạnh đang là hiện tượng chung của toàn thị trường bất động sản. Tại các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất, giá nhà vùng ven đang tăng bình quân từ 30% - 80% so với hồi đầu năm 2020.

Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, ngoài TP.HCM, còn có Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ cũng có mức tăng tương tự. Riêng tại khu vực Long Thành (Đồng Nai), mức tăng trội hơn, có thời điểm đạt "đỉnh" tăng 300% so với đầu năm 2020.

Trái ngược với đà tăng của các địa phương trên, nhiều nơi có thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Khách Hòa hay Đà Nẵng - Quảng Nam, giá trị bất động sản có xu hướng đi xuống.

Số liệu tư VARS cho thấy, trong quý III/2020, tại Hạ Long, Quảng Ninh, giá bán một số dự án căn hộ cao cấp đã giảm khoảng 30% so với năm ngoái, từ 32 - 34 triệu đồng, xuống còn 23 - 27 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng - Quảng Nam, giá đất nền tại một số dự án tại Hòa Xuân đã giảm 15% so với cuối năm 2019, hiện ghi nhận ở mức 20 - 27 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), giá đất giảm sâu từ 20 -30%. Giá căn hộ ở Nha Trang cho phân khúc bình dân và trung cấp đang ở ngưỡng 22 - 30 triệu đồng/m2. Căn hộ cao cấp trước đây có giá bán từ 40 - 60 triệu đồng/m2, thì nay đều phải điều chỉnh giảm 30 - 50 triệu đồng/m2 để bán được.

Một số chuyên gia nhận định, giá trị bất động sản tại 4 địa phương là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng - Quảng Nam đã chạm tới "đáy". Trong năm 2021, giá bán mọi loại hình bất động sản sẽ duy trì như hiện nay và khó lòng giảm hơn nữa.

Việt Vũ (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.