23/12/2020 11:25 AM
Giá đất nền, căn hộ tại thị trường TPHCM đã tăng nhanh trong thời gian qua, bất chấp cả dịch bệnh. Cơ hội sở hữu nhà của người dân lại càng trở nên khó khăn bao giờ hết.

10 năm vẫn chưa mua nổi nhà

Chị Ngô Nguyệt Hà (quận 10) chia sẻ, chị vào TPHCM từ năm 2010 và đang làm công việc buôn bán quần áo ở khu công nhân. Thế nhưng, 10 qua dù đã tích góp bằng nhiều cách nhưng đến nay gia đình chị vẫn đang phải ở nhà thuê.

Theo chị Hà, giá nhà tăng quá nhanh. Đặc biệt, ở thời kỳ bùng nổ bất động sản, giá nhà lại càng tăng nhanh hơn, khiến gia đình chị vẫn không theo đuổi kịp. Đến khi dịch Covid bùng phát, tưởng rằng giá nhà sẽ giảm nhưng vẫn tăng một cách âm thầm.

Thu nhập chưa tăng, giá nhà liên tục... phi nước đại - 1

Việc sở hữu nhà tại TPHCM ngày càng trở nên khó đối với người có thu nhập thấp và trung bình

"10 năm qua thu nhập của vợ chồng tôi cũng không có nhiều thay đổi, sau khi trừ hết các chi phí thì còn dư được vài triệu đồng/tháng. Tôi đã từng nhờ nhiều môi giới tìm giúp những căn hộ giá phải chăng và đáp ứng được số tiền tôi đang có. Thế nhưng, nhiều môi giới chỉ "lắc đầu" và "than khó" trong thời buổi hiện nay, khi mà một căn hộ thấp nhất cũng đã gần 2 tỷ đồng…!", chị Hà tâm sự.

Tương tự, gia đình anh Lê Văn Bình (quận 8) chia sẻ, cả hai vợ chồng anh đều làm nhân viên văn phòng. Sau khi được tăng lương vào năm 2018, tổng mức thu nhập của vợ chồng anh chỉ hơn 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt và con nhỏ, gia đình anh tiết kiệm được 5 triệu đồng/tháng. Theo anh Bình, với mức thu nhập hiện nay thì việc mua được nhà ở TPHCM là điều hết sức khó khăn.

"Tôi đã từng đi dò hỏi nhiều căn hộ ở vùng ven nhưng giá bán đã trên 1,5 tỷ đồng. Nhiều căn hộ nhà ở xã hội giá thấp hơn nhưng lại vướng thủ tục. Tôi làm việc 5 năm nhưng chỉ mới được tăng lương có một lần, trong khi đó giá nhà đã nhảy không biết bao con số trong vòng 5 năm qua. Hiện tại tôi thấy trúng vé số cũng khó mua nổi nhà…", anh Bình chua chát nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, hiện nay tại thị trường TPHCM, căn hộ 2 phòng ngủ đã có mức giá khoảng 2,5 tỷ đồng, tức 35 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Đối với căn hộ dưới 2 tỷ đồng, khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 và nhà ở xã hội hiện nay đang dần vắng bóng trên thị trường trong vài năm qua.

Đất nền và căn hộ vẫn có xu hướng tăng

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua giá nhà ở TPHCM vẫn âm thầm tăng, qua đó tạo nên nhiều cột mốc mới về giá. Thậm chí, khu vực vùng ven Sài Gòn cũng đua nhau tăng lên rất nhiều.

Qua tìm hiểu một số dự án, dự án căn hộ Sunshine Continental (đường Tô Hiến Thành, quận 10) nay đã có giá khoảng 120 triệu đồng/m2; chung cư Topaz Elite (đường Tạ Quang Bửu - Cao Lỗ, quận 8) nay đã có giá hơn 35 triệu đồng/m2; Chung cư Central Premium (đường Tạ Quang Bửu, quận 8) sau khi được bàn giao mức giá đã nhảy lên 48 triệu đồng/m2.

Còn tại quận 2, dự án Paris Hoàng Kim đã có giá bán 80 triệu đồng/m2. Mức giá này được đánh giá ngang bằng với các dự án căn hộ cao cấp khác ở Thủ Thiêm, cao hơn nhiều đối với các dự án ở cùng khu vực.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT DKRA cho rằng, trong vòng 5 năm qua, giá nhà tăng theo chiều dựng đứng. Năm 2015, giá căn hộ hạng A rơi vào khoảng 45 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2019, giá của loại căn hộ này đã lên khoảng 70-120 triệu đồng/m2. Còn đối với căn hộ hạng B, vào năm 2015 giá trung bình rơi vào khoảng 21 triệu đồng/m2. Nhưng đến thời điểm này, mức giá đã tăng lên khoảng 36 triệu đồng/m2….

Còn đối với đất nền, trong 5 năm qua mức giá đã tăng rất mạnh hơn 100%, tại một số khu vực đã tăng hơn 200%. Điều đáng nói, phân khúc căn hộ hạng C gần như vắng bóng trên thị trường. Năm 2016, phân khúc hạng C chỉ còn chiếm khoảng 30%, nhưng đến tháng 9/2019 gần như biến mất khỏi thị trường.

Thu nhập chưa tăng, giá nhà liên tục... phi nước đại - 2

Bất chấp những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh, giá nhà ở TPHCM vẫn âm thầm tăng

Nói về nguyên nhân giá nhà tăng trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới Việt Nam (VARs) cho rằng, do khan hiếm nguồn hàng. Đặc biệt trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá nhà tăng nhanh. Bên cạnh đó, trong khoảng 2 năm qua, tại thị trường TPHCM và Hà Nội gần như không có dự án mới được phê duyệt.

Để giải quyết tình trạng giá nhà tăng hiện này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15 - 20% giá đất trong bảng giá đất…

"Nếu thực hiện các giải pháp nêu trên, người có thu nhập thấp và trung bình sẽ có cơ hội mua được nhà, vừa bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở lâu dài. Đồng thời phát triển kinh tế, thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định…", ông Châu cho hay.

  • “Tháo nút” nguồn cung mới, giá nhà sẽ giảm?

    “Tháo nút” nguồn cung mới, giá nhà sẽ giảm?

    CafeLand – Khan hiếm nguồn cung dự án mới được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá nhà tại TP.HCM tăng mạnh trong thời gian qua. Giải quyết được “nút thắt” này sẽ giúp kéo giảm giá nhà trong thời gian tới.

Quế Sơn (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.