10 năm “chung thủy” với nhà thuê
Giữa năm vừa rồi, Huynh cưới vợ. Theo kế hoạch, sau khi cưới, Huynh sẽ mua nhà khi đã có trong tay khoảng 400 triệu đồng từ tiền tích góp riêng, cộng với khoảng 200 triệu đồng từ quà cưới của hai bên gia đình.
Thế nhưng, kế hoạch mua nhà của Huynh vẫn chưa thành hiện thực khi Covid-19 bất ngờ ập đến.
Từ chỗ hàng tháng kiếm hơn 30 triệu đồng từ lương và phụ cấp, Huynh rơi vào cảnh phải nghỉ luân phiên, lương chỉ còn 15 triệu đồng mỗi tháng. Còn vợ Huynh, nhân viên lễ tân khách sạn, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng nay cũng bị cắt giảm 30%.
Thu nhập sụt giảm nghiêm trọng khiến vợ chồng Huynh đành tạm gác lại giấc mơ an cư, tiếp tục “chung thủy” với nhà thuê thêm một thời gian nữa.
“Nếu quyết định mua nhà, toàn bộ thu nhập sau khi chi các khoản thiết yếu chỉ vừa đủ tiền trả gốc lẫn lãi hàng tháng. Lỡ may có chuyện gì xảy ra hoặc một trong hai vợ chồng không đi làm được thì sẽ không có tiền trả ngân hàng”, Huynh giãi bày.
May mắn hơn vợ chồng Huynh, Thanh Lan (32 tuổi, ngụ quận 7) đã kịp xuống tiền mua cho mình một căn hộ ở vùng ven thành phố trước khi những khó khăn do dịch bệnh ập đến.
Lan dự tính chuyển về nhà mới từ tháng 5 năm nay, nhưng dịch bệnh ập tới khiến thu nhập bị giảm đáng kể trong khi hàng tháng vẫn trả góp hơn 10 triệu đồng tiền mua nhà. Lan làm nội thất, cho thuê được 5,5 triệu đồng mỗi tháng, coi như có thêm một khoảng để trả tiền vay ngân hàng.
Lan cho rằng, cô may mắn khi được gia đình hỗ trợ mới có thể mua nổi căn nhà 1,6 tỉ đồng sau gần chục năm đi làm. Mặc dù đã có một khoản dành dụm, cô khó có thể thực hiện được ước mơ sở hữu nhà nếu chỉ tự gánh vác một mình mà không có gia đình hỗ trợ và vay thêm ngân hàng.
“Mỗi tháng tôi tiết kiệm trung bình 40-50% thu nhập, khoảng 10 triệu đồng. Nhưng khi mua nhà, ngoài được gia đình hỗ trợ, tôi vẫn phải vay thêm khoảng 500 triệu đồng. Nếu chỉ dựa vào tiết kiệm và chờ tăng lương, rất khó mua được một căn nhà ở thành phố, nhất là khi giá nhà ngày càng tăng chóng mặt”, Lan chia sẻ.
Kỳ vọng tăng nguồn cung
Trong báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng so với 20 năm trước đây, thị trường bất động sản đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, chất lượng, tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường và tổng nguồn vốn đầu tư. Nhưng thị trường vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Trong đó, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư. Ba năm trở lại đây, căn hộ bình dân chỉ chiếm 21,81% tổng số nhà ở dự án. Tỷ lệ này rất thấp nếu so với căn hộ trung - cao cấp (chiếm 78,19%).
Trên thị trường, giá căn hộ hạng bình dân từ từ 16-25 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, nguồn cung ở phân khúc này gần như đã “tuyệt chủng”. Chín tháng qua, các dự án nhà ở mới được chào bán ra thị trường TP.HCM đều vọt lên ngưỡng trên 30 triệu đồng/m2. Thậm chí, việc tìm kiếm các dự án có mức giá này cũng không mấy dễ dàng.
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, giá bán sơ cấp trên thị trường TP.HCM quý vừa qua đạt 1.966 USD/m2 (hơn 45,5 triệu đồng/m2). Đáng chú ý, nguồn cung căn hộ chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và trong thời gian đại dịch Covid-19, giá nhà sơ cấp vẫn neo cao. Lý do vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.
Thị trường chỉ xuất hiện tình trạng sụt giảm mạnh giá cho thuê bất động sản hoặc tình trạng sụt giảm giá do nhà đầu tư không chịu đựng nổi áp lực trả lãi, trả nợ gốc, phải chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ.
Trong báo cáo gửi tới quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở không phản ánh đúng giá trị thực, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Trước sự lệch pha cung cầu, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà.
Theo đó, bộ này đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp (giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2/căn hộ). Dự kiến, dự án nhà ở thương mại giá thấp sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn vốn thực hiện dự án do chủ đầu tư tự huy động từ các nguồn hợp pháp theo quy định của pháp luật.
-
eMagazine: “Cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?
Nhà ở xã hội, phân khúc đáp ứng nhu cầu của rất đông người dân tại các thành phố lớn, đang nóng trở lại với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản lớn....
-
Nhà ở cho công nhân nhưng rất ít công nhân mua được, Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri với nội dung hiện nay rất ít người lao động thu nhập thấp mua được nhà ở công nhân do giá bán cao và công nhân không đáp ứng được những quy định về vay vốn, về điều kiện được mua....
-
Doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ngày 1/8, doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.