Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) gặp khó khăn kéo dài, rất nhiều chủ dự án phải gỡ khó bằng việc bán một phần hoặc toàn bộ dự án. Nếu trước đây, yếu tố nước ngoài chi phối thị trường, thì hiện nay, hoạt động mua bán dự án trong lĩnh vực BĐS đang nóng lên với sự vào cuộc của các đại gia nội.
Thu mua dự án BĐS,
Hà Đô là cái tên mới nhất tuyên bố sẵn sàng mua lại các dự án BĐS


Cung lớn…

Trước đây, hầu hết vụ M&A trên thị trường địa ốc đều diễn ra âm thầm. Thị trường chỉ biết đến khi câu chuyện chuyển giao đã kết thúc. Vì vậy, khi bầu Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cách đây mấy tháng tuyên bố, HAGL đang có trong tay 2.400 tỷ đồng tiền mặt và sẵn sàng mua lại dự án, đặc biệt là quỹ đất sạch của các công ty khó khăn về vốn, đã gây sự chú ý trên thị trường.

Sở dĩ lời tuyên bố gây được tiếng vang bởi tiềm lực tài chính cùng với bản tính đã nói là làm của bầu Đức. Còn trên thực tế, sau khi thị trường địa ốc TP. HCM sụt giảm mạnh, nhiều vụ M&A cỡ vừa và nhỏ trên thị trường này đã diễn ra thành công. Không kém cạnh, một "đại gia" đất Bắc là Tập đoàn Hà Đô mới đây cũng thể hiện tiềm lực và tham vọng bằng việc công bố thông tin muốn mua lại các dự án BĐS tại Hà Nội và TP. HCM trên website của Tập đoàn.

Ông Phạm Đức Thành, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Hà Đô cho biết, ngay sau khi đăng tin trên website, Công ty đã nhận được lời chào mời bán lại dự án của nhiều chủ đầu tư trên cả nước. Trên thực tế, Hà Đô đã mua được một số dự án và đang tiến hành thỏa thuận các điều khoản mua lại vài dự án nữa.

Theo ông Thành, hiện các loại dự án chào bán rất đa dạng: dự án đang triển khai, DN cạn tiền nên muốn bán; dự án đã xây dựng xong nhưng không bán được hàng, chủ đầu tư chọn phương án bán đứt cả dự án với giá rẻ để thu tiền một cục. Đa số DN muốn bán dự án BĐS hiện nay là những DN mới nhảy vào kinh doanh BĐS trong khoảng 3 - 5 năm trở lại đây khi thị trường bùng nổ. Khi BĐS đóng băng, đã "không chịu được lạnh" nên phải bán tháo. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng: "Lực cung trên thị trường còn có những chủ đầu tư mà nếu công khai sẽ khiến không ít người phải giật mình, bởi họ từng là những tên tuổi lớn".

Cơ hội và rủi ro

Nhiều chuyên gia BĐS cho biết, trên thị trường địa ốc nói chung, có khoảng 70 - 80% vốn đầu tư dự án là vốn vay ngân hàng. Do đó, khi đã có những tiền lệ thành công, kết hợp tình hình thị trường dự báo còn khó khăn, làn sóng mua bán dự án trên thị trường này sẽ còn sôi động hơn. Xu hướng này nói lên hai điều. Thứ nhất, nguồn cung lớn chứng tỏ sức khỏe của nhiều DN ngành này rất đáng báo động khi phải "bán lúa non". Thứ hai, nó cũng cho thấy còn nhiều đại gia có tiềm lực và biết nắm bắt cơ hội, sẽ vươn lên trở thành người cầm trịch thị trường trong tương lai gần.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mua được những dự án với giá cả hợp lý, thậm chí rất rẻ, thì những khó khăn do rào cản pháp lý, rủi ro từ thị trường, từ chính sách… là không nhỏ đối với những người đi thâu tóm.

Ông Thành nhận định, mặc dù thời điểm hiện nay, giá BĐS đã giảm khá mạnh và nhiều chủ đầu tư vì khó khăn sẵn sàng bán đứt dự án, nhưng vấn đề là thị trường đã đến đáy hay chưa và bao lâu sẽ bật lên thì không ai có thể trả lời. Điển hình như có một số nhà đầu tư huy động các nguồn tiền khác nhau để mua lại dự án với kỳ vọng 1 - 2 năm sau sẽ có lãi. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu họ không chủ động về tài chính.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư muốn "đẩy dự án" còn do các dự án này bị vướng mắc các thủ tục pháp lý, hoặc những rủi ro trong quan hệ với khách hàng. Nếu không tìm hiểu kỹ, bên mua sẽ phải gánh hết các rắc rối này khi dự án đã được sang tay. Chính vì những phức tạp như vậy, nên từ trước đến nay, các đối tác nước ngoài khi tham gia mua bán dự án trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam, với lợi thế về vốn, họ thường nhắm tới những dự án lớn, thủ tục pháp lý đã hoàn chỉnh. Đây cùng là kinh nghiệm các "đại gia" nội địa cần chia sẻ.

Theo Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.