Theo Sở Xây dựng, thời gian qua việc thu hồi phần diện tích quá nhỏ chỉ là động viên, hoặc khi chủ nhà có yêu cầu. Tuy nhiên, khi mở mới hoặc nâng cấp các tuyến đường giao thông, phần đất hai bên đường tăng giá trị, nên thực tế không có hộ nào tự nguyện, yêu cầu Nhà nước thu hồi phần diện tích còn lại... Ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: Nguyên nhân dẫn tới việc tồn tại những căn nhà siêu mỏng, siêu méo là do lỗi bài toán quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết làm rất dở, không nghĩ trước được những trường hợp như vậy nên đường phố mở đến đâu thì nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên tới đó. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có hàng trăm ngôi nhà không đủ diện tích xây dựng theo quy định, trong đó có nhiều nhà nằm trên mặt phố gây ảnh hưởng xấu đến kiến trúc, mỹ quan đô thị. Các phố có nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo là Xã Đàn, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Lê Văn Lương kéo dài, đường 32...
Trong dự thảo, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nêu rõ: Các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại trên các tuyến đường sẽ bị UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn áp dụng theo một trong các hình thức sau: cho phép chủ sử dụng đất hợp thửa đất và hợp khối nhà; tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch; cho phép chủ sử dụng đất được tổ chức, khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích, đúng quy hoạch. Cụ thể, nhà siêu mỏng siêu méo phát sinh trước ngày 12-3-2005 sẽ phải thực hiện việc hợp thửa đất và hợp khối. Đối với những trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất, hợp khối thì sẽ bị thu hồi đất để thực hiện quy hoạch; hoặc chịu phương án xử lý do UBND quận, huyện, thị xã lập và được thành phố phê duyệt. Nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh sau ngày 12-3-2005 không đủ điều kiện hợp khối hoặc chủ sở hữu không chịu hợp khối thì UBND quận, huyện, thị xã tổ chức việc thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch...
Điều tiết phần đất thu hồi
Ông Phạm Thế Minh, nhận định: Việc thành phố Hà Nội quy định về những mảnh đất dưới 15m2 phải hợp khối với mảnh đất bên cạnh, nếu không sẽ bị thu hồi là trái với Luật đất đai, vì đây là quyền sử dụng đất của người dân, trong đó có quyền nhượng, bán. Tuy nhiên, để quản lý đô thị tốt không thể để tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ngay mặt tiền những con phố mới mở.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nếu thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương cho thu hồi các diện tích đất, nhà có kích thước hình học không phù hợp, các quận, huyện sẽ xử lý dứt điểm được nạn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, để làm tốt điều này cần phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thu hồi đất ngoài chỉ giới mở đường, nếu không có thể sẽ phát sinh khiếu kiện gay gắt. Cùng với đó, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Diện tích đất còn lại rất ít, có khi chỉ vài mét vuông, số tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư, nếu không có chỗ ở mới thì không thể giải phóng được mặt bằng. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi như thế nào? Vì với diện tích rất nhỏ nên phương án làm ki ốt bán hàng hay vườn hoa, tiểu cảnh không khả thi. Trong khi đó, việc tổ chức đấu giá hay bán lại cho hộ phía trong cũng rất khó.
Kinh nghiệm của các tỉnh miền Trung trong việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo thời gian qua cho thấy, cần đề xuất hai giải pháp đối với các công trình không đủ chuẩn xây dựng hiện đang tồn tại trên địa bàn thành phố: Động viên các hộ dân tự thương lượng với nhau để hợp khối công trình, nhằm đảm bảo diện tích công trình đủ chuẩn xây dựng. Nếu không tự thương lượng được, Nhà nước sẽ thu hồi và sử dụng điều tiết phần đất đã thu hồi.