Năm 2004, UBND huyện Châu Thành A (Hậu Giang) ban hành quyết định thu hồi đất của 168 hộ thuộc diện di dời giải tỏa để giao đất cho KCN Tân Phú Thạnh (xã Tân Phú Thạnh), trong đó có hộ ông Huỳnh Văn Châu bị thu hồi khoảng năm công đất. Cuối năm 2011, UBND huyện cũng ra bảng kê chi tiết áp giá bồi thường cho ông với số tiền hơn 1,766 tỉ đồng. Bên cạnh đó, địa phương còn yêu cầu gia đình ông bốc 27 bộ hài cốt trong diện tích đất thuộc diện giải tỏa và phải di dời hơn 10 ngày sau đó.
Thế nhưng hơn ba năm nay, khi 167 hộ dân xung quanh đã nhận được hết tiền bồi thường và chuyển đi nơi khác ổn định cuộc sống thì riêng hộ ông Châu vẫn phải mòn mỏi đợi chờ từng ngày. Theo trình bày của ông Châu, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất của UBND huyện, ông chỉ được tạm ứng gần 19 triệu đồng để di dời 27 ngôi mộ trong vườn và chuẩn bị cho việc di dời giải phóng mặt bằng. “Do không có đất để mai táng lại nên gia đình tôi đành cho hài cốt vào hũ rồi chia ra cho mỗi anh em, con cái mang về để trong nhà thờ cúng” - ông Châu bày tỏ.
Toàn bộ mái nhà phía sau của ông Châu bị sập hoàn toàn do mục nát. Ảnh: GT
Trước đây, năm hộ gia đình với 25 nhân khẩu con cháu của ông Châu trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả. Bình quân mỗi năm cả nhà thu lời 70-100 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày có quyết định thu hồi đất, gia đình ông không làm ăn được gì, kinh tế ngày càng eo hẹp. Con cháu trong nhà phải đi làm thuê kiếm từng đồng về nuôi cha mẹ già.
Mùa mưa lũ năm 2014 vừa qua, nước ngập tứ phía, gia đình ông Châu không dám làm bất cứ thứ gì vì sợ vi phạm quy định của Nhà nước. Cả nhà đành phải lội nước sống chung với lũ. Còn nhà cửa thì qua năm tháng bị mục nát hết. Tháng 9-2014, ông Châu cùng vợ một phen hú vía vì mái nhà phía sau bất ngờ đổ sập nhưng rất may cả hai ông bà đã kịp chạy thoát ra ngoài.
Ông Hồ Thanh Triết, Phó Chủ tịch xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “Đối với khu đất của hộ ông Châu, do chưa có nhà đầu tư nên chưa thể giải quyết. Biết hiện tại gia đình ông đang rất khó khăn nên UBND xã đã báo cho ban quản lý các KCN và trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh nhanh chóng xem xét, giải quyết. Đồng thời, xã cũng nhiều lần phản ánh trường hợp ông Châu lên UBND tỉnh thông qua nhiều cuộc họp giải quyết khiếu nại các cấp”.
Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Tỉnh cũng có cái khó trong việc xử lý trường hợp của ông Châu. Do đặc thù nên trong việc giải phóng mặt bằng KCN tỉnh không làm đất sạch mà chỉ khi nào có nhà đầu tư thì nhà đầu tư ứng vốn để tỉnh chi trả bồi thường. Trường hợp hộ gia đình ông Châu đất nằm trong quy hoạch và có quyết định thu hồi nhưng chưa có nhà đầu tư nên việc chi trả bồi hoàn đất, vật kiến trúc hiện chưa có nguồn. Tỉnh biết dân khó và khổ nên vừa qua đã họp bàn với các sở, ngành hữu quan và có các phương án để giải quyết dứt điểm. Một là phía tỉnh sẽ tạm ứng tiền kinh phí ra bồi thường cho hộ ông Châu hoặc có thể thu hồi lại quyết định thu hồi đất của hộ này. Hiện tỉnh đang tính toán để giải quyết dứt điểm nhằm gỡ khó cho người dân”.