
Lý do việc ban hành Thông tư 22, theo quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN), là do thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng; việc lưu thông vàng, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, việc cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản suất, đây là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích.
Đặc biệt, việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng, làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường “ngầm” về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.
Nội dung chính của Thông tư 22 quy định: Tổ chức tín dụng được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, chỉ được cho vay vốn bằng vàng để sản xuất, chế tác và kinh doanh vàng trang sức, không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng; tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VND, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30/6/2011; không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng; không hồi tố đối với các giao dịch huy động và cho vay bằng vàng được thực hiện trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.
Theo quy định số 432/2000/QĐ-NHNN trước đây , tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn bằng vàng huy động được thành tiền, để sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động bằng vàng trong kinh doanh. Nhưng thực tế, tổ chức tín dụng khi thực hiện việc chuyển đổi rất dễ bị rủi ro kinh doanh, do không duy trì trạng thái vàng và không thực hiện được bảo hiểm giá vàng biến động mạnh.
Ngoài ra, có hiện tượng tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỷ giá. Việc chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền đã kích thích nhiều tổ chức tín dụng mở rộng huy động để cho vay bằng vàng với lãi suất cao đối với lĩnh vực phi sản xuất mà Nhà nước không khuyến khích.
Để khắc phục rủi ro, tồn tại này, Thông tư 22 không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi vốn huy động bằng vàng.
Nhận
định về tác động của thông tư mới tới hoạt động kinh doanh của các ngân
hàng và thị trường tiền tệ ngoại hối, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ
Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Việc
ban hành thông tư chỉ là bước tiếp theo của các giải pháp đã được Ngân
hàng Nhà nước thực hiện từ đầu năm nay như cấm hoạt động đối với các
sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, cho
phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phối hợp với các
cơ quan chức năng chống nhập lậu vàng…Cơ chế mới được thực thi sẽ góp
phần tích cực để khắc phục những tồn tại của việc lưu thông vàng trong
nền kinh tế, khắc phục rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và lãi suất đối
với tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng. Nhờ
đó sẽ giảm được nguy cơ nhập lậu, đầu cơ vàng, ngoại tệ. Thị trường
ngoại hối và tiền tệ sẽ ổn định hơn khi một khối lượng vàng đầu tư và
đầu cơ sẽ chuyển dần thành vốn bằng tiền (VND, ngoại tệ) để đầu tư vào
sản xuất - kinh doanh. Ngân
hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tác động của cơ chế mới và diễn biến của
thị trường để tiếp tục có giải pháp hợp lý, cần thiết theo hướng thu
hẹp dần các giao dịch bằng vàng trong nền kinh tế.







