30/01/2013 7:38 AM
Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin viện dẫn không đúng Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các thông tin này cho rằng, trọng tâm Nghị quyết hướng vào “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, làm ấm thị trường này thông qua các hình thức như: cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn ưu đãi, hỗ trợ gói kích cầu, nhất là khuyến khích các ngân hàng rót vốn vào thị trường này...

Một số thông tin còn cho biết, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng rót vào thị trường bất động sản số vốn lớn lên tới hàng vạn tỉ, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng sẽ được “giải cứu” với các gói mạnh tay, từ đó “dự báo thị trường bất động sản 2013 sẽ nóng trở lại”. Với cách hiểu như vậy, có thông tin suy diễn: bất động sản nằm trong tay nhà giàu, của những người đầu cơ, nay nếu Nhà nước rót vốn “cứu” các doanh nghiệp bất động sản là cứu “đại gia”, khiến thị trường nhà đất nóng trở lại, người nghèo khó khăn...

Việc đưa ra các ý trên làm nhiễu loạn thông tin về chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản, gây ra những hiệu ứng không tốt trong đời sống xã hội. Thực tế, Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013 của Chính phủ không có nội dung nào đề cập chuyện “giải cứu” thị trường bất động sản, không có gói kích cầu, rót vốn “cứu” bất động sản. Nghị quyết 02 của Chính phủ quy định một số chính sách mới với 3 nhóm: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu.

Về nhóm chính sách giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường, Nghị quyết 02 quy định một mục về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Nghị quyết giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở, giá bất động sản bảo đảm cân đối cung cầu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, nhu cầu của thị trường. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thể mua, thuê và thuê mua nhà để ở phù hợp với thu nhập chính đáng.

Nghị quyết nêu rõ việc rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như: Giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng. Nghị quyết cũng yêu cầu rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Đặc biệt, cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và làm các công trình dịch vụ như: Bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng. Trường hợp các đối tượng này thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì được trừ vào các khoản phải nộp ngân sách hoặc ngân sách thoái trả tiền sử dụng đất đã nộp...

Đối với các gói kinh phí nêu trong Nghị quyết, việc suy diễn rót vốn cứu doanh nghiệp kinh doanh nhà đất là không đúng. Những gói hỗ trợ này hướng đến các công trình, dự án cấp thiết, trong mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ. Chẳng hạn, Chính phủ quyết định bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng (gồm 5.000 tỷ đồng trong hạn mức huy động vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2012 và phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngoài hạn mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2013) cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 1589/TTg-KTTH ngày 03 tháng 10 năm 2012. Mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả đường liên xã, liên huyện). Gói 10.000 tỷ này không liên quan đến bất động sản

Đ.Trường (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.