“Nóng” lên nhờ hạ tầng
Nhằm thu hút các nhà đầu tư đồng thời tạo cú hích về cơ sở hạ tầng, trong những năm qua Tp.HCM đã tập trung “chăm sóc” cho cửa ngõ phía Đông khi cho xây dựng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu và hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ nối quận 7 với quận 2, mở rộng tỉnh lộ 25B, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, mở rộng xa lộ Hà Nội,… Ngoài ra, hai dự án khác là cầu Sài Gòn 2 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng sắp được xây dựng góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực phía Đông gần trung tâm hơn.
Theo lý giải của các chuyên gia tài chính, sở dĩ thành phố có phần “ưu ái” cho hạ tầng khu vực phía Đông vì nơi đây có cảng Cát Lái, một trong những cảng sông lớn nhất thành phố hướng ra biển, tạo ra một cửa ngõ mới cho việc thúc đẩy phát triển khu đô thị mới trong tương lai. Chính vì vậy, hạ tầng nơi đây sẽ được thành phố ưu tiên đầu tư hơn và là động lực để khu Đông phát triển mạnh mẽ hơn các khu vực khác.
Từ những lợi thế trên, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM và cả những nhà đầu tư đến từ phía Bắc cũng tập trung về khu vực này để phát triển dự án.
Theo UBND quận 2, hiện trên địa bàn quận đã có trên 300 dự án bất động sản, phủ kín hơn 90% diện tích đất. Trong đó, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay đã có hơn 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhu cầu tham gia đầu tư vào khu đô thị này.
Các Công ty nghiên cứu bất động sản dự báo rằng, trong 5 năm tới, thị trường sẽ đón nhận khoảng 124 dự án trên tổng diện tích 8.500ha với hơn 54.700 biệt thự - nhà phố. Phần lớn dự án tương lai tập trung tại khu vực ngoại thành như Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh và một số quận gần khu vực trung tâm như quận 9 và Tân Phú.
Trong tương lai sẽ có thêm 2 cây cầu được xây dựng kết nối quận 2 với các khu vực trọng yếu của Tp.HCM như: Cầu Sài Gòn 2 nối kết quận 2 và quận Bình Thạnh dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2012, cầu Thủ Thiêm 2 đang được nghiên cứu có vị trí xây dựng từ trục đường Tôn Đức Thắng qua nhà máy Ba Son nối với trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra còn hệ thống đường bộ đại lộ Đông – Tây và đường tàu cao tốc trong tương lai, tạo nên vị trí đắc địa mang tính chất trung tâm của quận 2 nói chung và Thủ Thiêm nói riêng.
Vì vậy, theo các chuyên gia bất động sản, Thủ Thiêm là khu vực được đánh giá có lợi thế sinh thái phục vụ tốt cho việc cư trú. Đặc biệt, khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm được qui hoạch trở thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ hiện đại sẽ thúc đẩy giá trị "sinh lợi" của đất đai tại đây.
Từ khi có thông tin xây dựng hầm Thủ Thiêm giá đất khu vực này bắt đầu "rục rịch" giá. Ảnh: Nguồn internet
Bất động sản bờ Đông “đội” giá
Theo khảo sát, trong năm 2001 giá đất ở khu vực trung tâm quận 2 chỉ ở khoảng 5 triệu đồng/m2. Trước năm 2000, giá đất ở khu vực này chỉ vào khoảng dưới 1 triệu đồng/m2. Nhưng từ khi có thông tin xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm và khu Đại Lộ Đông -Tây, giá đất tăng gấp 5 lần sau 1 năm. Đến giữa năm 2007, giá đất thuộc các dự án ở quận 2 trung bình khoảng là 40 triệu.
Bước sang năm 2009, sau khi “bong bóng” bất động sản bùng nổ, giá đất nền dự án ở khu vực này có hạ nhiệt nhưng không đáng kể, chỉ ở khoảng 0,4% vào cuối năm.
Vào đầu năm 2010, đốt hầm thứ nhất của hầm Thủ Thiêm được dìm xuống sông Sài Gòn đã làm giá đất quận 2 tăng trở lại. Điển hình, đất nền dự án An Phú – An Khánh tăng 0,6% ở mức 44 triệu đồng/m2, Him Lam – Lương Đình Của có giá từ 55 – 58 triệu đồng/m2 tăng từ 0,2 – 0,3 triệu đồng/m2, Thạnh Mỹ Lợi – Huy Hoàng các lô có vị gần sông có giá lên tới hơn 70 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận của CafeLand, vào khoảng đầu tháng 3/2011, sự kiện lai dắt và dìm hầm Thủ Thiêm cũng khiến thị trường nhà đất lân cận khu vực quận 2 chộn rộn kê giá ăn theo.
Vào khoảng nửa tháng trước hợp long, giá nền đất, căn hộ ở những vị trí đẹp đã được chủ đất hoặc cò "hét" tăng thêm một vài triệu đồng/m2. Cụ thể, đất nền tại các dự án thuộc địa bàn quận 2 như Phú Nhuận EPCO, Đông Thủ Thiêm, Bình Trưng Đông Cát Lái, Thế kỷ 21, Villa Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi - Phú Nhuận,… ghi nhận tăng từ 1 – 2 triệu đồng/m2. Trong đó, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư phần lớn là những dự án nằm ở phường Thạnh Mỹ Lợi.
Trao đổi với CafeLand, giám đốc một sàn giao dịch ở quận 2 (xin giấu tên) cho biết, giá đất quận 2 “nóng” lên khi gần đến ngày thông hầm tuy nhiền người vẫn chưa muốn bán vì chờ giá lên cao hơn.
Còn theo chị Kim Ngọc một nhà đầu tư ở quận 1 chia sẻ, ngay sau khi mua hai lô đất tại Thạnh Mỹ Lợi đã có người ngỏ lời mua lại hai lô đất của chị với giá gấp 1,5 lần nhưng chị không chấp thuận. Bởi theo chị Ngọc, giá đất khu vực này đang leo thang mỗi ngày nên không vội bán, nếu bán ngay lúc này sẽ bị hớ. Vì vậy, “Tôi đang muốn mua thêm vài lô nữa chờ giá ổn định mới bán”, chị Ngọc phấn khởi nói.
Mặc dù giá đất ở khu vực này được “hét” lên khá cao, nhưng giới trong ngành cho rằng vẫn còn khá “mềm” và chưa thấm vào đâu so với cơn sốt giá ở trục Tây Hà Nội. Vì vậy, trong thời gian tới, khi hạ tầng bán đảo Thủ Thiêm được hoàn thiện, sẽ được kết nối với trung tâm thành phố và các quận lân cận, trở thành trái tim của thành phố trong tương lai thì giá đất tại đây sẽ còn “thổi” cao.
Song, đứng ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản hiện tại vẫn còn khá nhiều khó khăn và không thể tăng giá cao trong lúc này. Bởi theo họ hiện tại các chính sách được ban hành chưa mang lại hiệu quả tức thì mà cần có thời gian. Chính vì vậy, không thoát khỏi sự ảnh hưởng, giá đất giá đất nền và căn hộ khu vực quận 2 sẽ giảm nhẹ hoặc chững lại trong thời gian tới.