Ảnh minh họa. Nguồn internet
Một số thống kê cho thấy, hiện nay trên cả nước có đến hàng trăm dự án nhà ở xã hội nhưng số dự án hoàn thành và bàn giao cho người dân vẫn rất ít. Nguyên nhân là do chưa có những quy định cụ thể về cơ chế để khuyến khích, kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Bên cạnh đó là sự chậm trễ trong việc công khai các tiêu chí xác định đối tượng được mua, thuê mua loại hình nhà ở xã hội cũng như quy định về quản lý sử dụng, khai thác vận hành quỹ nhà ở sau đầu tư...
Trước tình trạng đó, Nghị định 188 ra đời với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ giải quyết được những tồn tại trong quy định cũ. Theo đó, đối tượng mua nhà được nới rộng. Trước đây, theo quy định trước đây chỉ có 8 đối tượng được mua nhà xã hội thì Nghị định 188 đã bổ sung thêm một đối tượng đó là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Ngoài ra, sau 5 năm, người mua, thuê mua nhà ở xã hội được bán, thế chấp hoặc cho thuê khi đã trả hết tiền và được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, người bán lại phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ (hoặc 100% đối với nhà liền kề), tính theo giá mà UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán. Còn trong thời hạn 5 năm, người mua hoặc thuê mua nhà đã trả hết tiền và có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán lại cho Nhà nước, chủ đầu tư dự án hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo mức giá nhà ở xã hội cùng loại thời điểm đó.
Một quy định mới “cởi trói” cho các chủ đầu tư dự án đó là đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì ngoài hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội như trước đây, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% nhằm bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở của địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quy định mới này giúp doanh nghiệp dễ thực hiện dự án để giải phóng hàng tồn, đồng thời tạo ra quỹ nhà ở xã hội tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lí, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà xã hội theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là nhà chung cư thì tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2, tối đa không quá 70m2, không khống chế số tầng nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chủ dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Trường hợp nhà xã hội là nhà liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Với những điểm mới nêu trên, hy vọng khi chính thức có hiệu lực vào ngày 10/1/2014 Nghị định này sẽ góp phần mở ra cơ hội tiếp cận nhà ở cho người thu nhập thấp tại nhiều địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cũng đỡ chật vật hơn với bài toán lợi nhuận khi xây dựng công trình nhà ở có giá rẻ.