Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, do biến động về tình hình nợ công của Hy Lạp và bất ổn của một số nước khác ở châu Âu, cũng như tình hình nợ công ở Mỹ, đã làm cho giá vàng thế giới biến động, dẫn đến giá vàng trong nước cũng biến động theo, chứ không có gì là bất ổn.
Trao đổi với báo chí chiều 26/7 bên lề Quốc hội, Thống đốc còn cho biết nhiều vấn đề khác.

Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hiện nay?


Theo tôi, chúng ta mới thực hiện tốt chính sách tiền tệ, còn chính sách tài khóa như cắt giảm đầu tư công, hầu như hiện nay chưa thực hiện bao nhiêu, nhiều tỉnh còn đề nghị tăng chi tiêu công.

Vậy làm sao để chúng ta có thể điều chỉnh được vấn đề này?


Khi họp với Thủ tướng và họp thường kỳ hôm Chủ nhật vừa rồi, Thủ tướng khẳng định kiên định 6 nhóm giải pháp đã được ban hành trong Nghị quyết 11. Do đó, chúng ta phải tiến hành thực hiện đồng bộ, không xem giải pháp nào hơn, từ chính sách tài khóa, sản xuất, nhập khẩu, an sinh xã hội,…Tôi nghĩ tất cả những cái này phải đồng bộ.

Thống đốc NHNN: Giá vàng trong nước không bất ổn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu

Chính sách tiền tệ khi tiến hành rất nhạy cảm, chúng ta có cảm giác quá đà, đi nhanh…điều chỉnh nó sẽ tác động ngay vào hiệu ứng thị trường. Còn cắt giảm đầu tư công 80.000 tỷ đồng, nhưng cái này chưa đầu tư ra, nên sẽ có cảm giác đi từ từ. Vấn đề là chúng ta cần chuyển tải thông tin minh bạch, rõ ràng hơn, chắc chắn sẽ tạo được lòng tin của người dân.


Tình hình thị trường ngoại hối đang phát triển có vẻ tốt hơn thị trường vàng, ông có lo ngại thị trường giá vàng tăng cao và chưa ổn định sẽ phá vỡ sự ổn định của cả thị trường ngoại hối?

Theo tôi, do biến động về tình hình nợ công của Hy Lạp và bất ổn của một số nước khác ở châu Âu, cũng như tình hình nợ công ở Mỹ, đã làm cho giá vàng thế giới biến động, dẫn đến giá vàng trong nước cũng biến động theo, chứ không có gì là bất ổn.

Còn về thị trường ngoại tệ, tôi cho rằng đó là thành công lớn của việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhiều khi linh hồn của Nghị quyết là các giải pháp nhằm giảm tổng cầu, kể cả đầu tư và tiêu dùng, giảm nhập khẩu. Cung ngoại tệ như báo cáo của Chính phủ là tăng 33% , cầu ngoại tệ giảm, giảm nhập khẩu, tốc độ còn có 26%.

Hiện nay, lãi suất ngân hàng rất cao, Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm lãi suất không? Phải chăng, hiện đang có nhiều ngân hàng nên có sự cạnh tranh về lãi suất?

Vấn đề hiện nay là nhiều nhà làm chính sách nghi ngờ việc nới lỏng chính sách sớm, nhưng ở Việt Nam khác. Theo các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, khi đưa các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội thì lãi suất gia tăng là tất yếu, hút tiền về và hạn chế cầu tín dụng, nhưng khi giảm thì phải tác động giảm dần.

Có ý kiến cho rằng, việc buôn bán ngoại tệ khó kiểm soát được, bằng chứng là “chợ đô la” Hà Trung hoạt động trở lại. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Có hai phần, phần quản lý chính sách ngoại hối do ngân hàng làm tham mưu, còn tổ chức quản lý thì phải phối hợp với các ngành khác, đặc biệt là các ngành liên quan của địa phương.

Tôi cũng biết có lúc, chúng ta tập trung giải pháp mạnh mẽ nhưng cũng có lúc lơi tay thì điều đó (hoạt động của chợ đen – PV) lại xuất hiện. Tôi công nhận gần đây cũng có hoạt động mua bán đô la ở Hà Trung, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được thị trường nên không có tác động gì lớn.

Đối với thị trường chợ đen nhân dân tệ ở vùng biên giới diễn ra ngang nhiên, đẩy giá nông sản lên cao. Hiện chúng ta đã có biện pháp gì để quản lý chưa?

Cách đây một tuần, tôi có chỉ đạo thành lập một tổ cán bộ ngân hàng, vụ quản lý đến thị sát tại chỗ, xem cái gì phù hợp với pháp luật, cái gì không phù hợp. Chúng ta cũng không nên nói các hoạt động ở biên giới là sai hết, cái này cần thận trọng
Theo Châu Anh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.