Tiếp tục trả lời thêm về trần lãi suất 14% một năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, việc để một trần lãi suất là có lợi. Ông Bình thừa nhận khi áp một trần thì ngân hàng lớn có lợi thế; nhưng ngân hàng nhỏ, tài chính lành mạnh thì cũng không gặp khó khăn, chỉ có tài chính yếu kém thì người gửi mới rút tiền.
Người đứng đầu ngành ngân hàng thừa nhận, trần lãi suất đã có từ cuối năm 2010 nhưng trước khi siết chặt kỷ cương từ 7/9, hiện tượng huy động vượt trần diễn ra tràn lan, phổ biến ở mức 17-18% một năm. "Cơ quan giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra nhiều lần nhưng không phát hiện được trong 6 tháng đầu năm 2011. Đó là yếu kém, trì trệ của thanh tra, trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước", ông Bình thẳng thắn.
Giải thích về việc áp trần lãi suất đôla là 2% một năm
trong khi các nhà băng cho vay tới 8%, ông Bình cho biết: Đây là biện
pháp chống đôla hóa, lãi suất 8% là để hạn chế vay. Ngân hàng không
khuyến khích doanh nghiệp vay ngoại tệ mà khuyến khích mua nếu có nhu
cầu.
Liên quan đến những con số lãi khủng của các ngân
hàng, ông Bình cho rằng, cần phải có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.
Với ngân hàng có tổng tài sản 50.000-60.000 tỷ đồng, vốn điều lệ
3.000-5.000 tỷ, còn vốn chủ sở hữu lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, một
năm lãi khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng là không cao. Các tổ chức tín dụng
đứng thứ 15 trong tất cả các nhóm doanh nghiệp về lợi nhuận và điều này
thể hiện ở giá cổ phiếu nhà băng đang rất thấp so với doanh nghiệp khác,
Thống đốc cho biết.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng giải thích thêm, một số nhà băng công bố lợi nhuận cao để PR hay công bố chênh lệch thu nhập và chi phí theo tháng, gây hiểu lầm. Trên thực tế, phải sau 31/12 thì các ngân hàng mới chính thức biết được lợi nhuận của mình, sau khi trích lập dự phòng rủi ro.
Về huy động thấp cho vay cao, ông Bình thông tin: Trước tháng 8/2011, lãi suất phổ biến 16 -18% một năm; cho vay 19 – 22%. Chênh lệch dao động 2 – 4% là phù hợp với Việt Nam và quốc tế. Đến nay. ngân hàng huy động 14%, cho vay 16-18% là chênh lệch cho phép.