30/10/2012 8:00 PM
Cho rằng xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về quá trình này.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng có mặt trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30/10, để lắng nghe ý kiến của các đại biểu về tình hình kinh tế xã hội 2012-2013. Chưa phải là phiên chất vấn, nhưng do nhiều đại biểu quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phát biểu. Người đứng đầu ngành ngân hàng chỉ xin phép nói về 2 vấn đề nhức nhối nhất là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng một mình ngân hàng không thể giải quyết nợ xấu. Ảnh: Hoàng Hà
Thống đốc cho rằng riêng ngân hàng không thể giải quyết nợ xấu. Ảnh: Hoàng Hà

Theo số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3, nợ xấu hệ thống ngân hàng là 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% dư nợ, thay vì báo cáo cảu các ngân hàng chỉ là 4,47%.

Tuần trước, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết chưa có con số cập nhật chính xác, nhưng về tỷ lệ, nợ xấu vẫn dao động 8-10%. Từ quý I đến nay, các ngân hàng đã xử lý được 36.000 tỷ đồng nợ xấu, họ cũng trích lập dự phòng rủi ro hơn 70.000 tỷ đồng.

Đề án lập công ty quốc gia về mua bán nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất có mục tiêu xử lý 60.000-100.000 tỷ đồng nữa.

Nhắc lại rằng những vấn đề xung quanh việc xử lý nợ xấu đã được trình bày kỹ lưỡng trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ hồi cuối tháng 8, Thống đốc Bình cho biết chỉ đề nghị được "mượn" diễn đàn Quốc hội để tái khẳng định rằng nợ xấu không phải là một con số duy nhất mà "biến động hàng ngày". Nhận định này được ông đưa ra trước nhiều ý kiến cho rằng các thống kê nợ xấu của cơ quan quản lý hiện không thống nhất.

"Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, người ta đều thống nhất rằng con số do cơ quản quản lý, trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước, đưa ra là có cơ sở nhất", ông Bình nói. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay rất thống nhất với diễn biến của nền kinh tế: "Tăng mạnh đầu năm, kể từ tháng 6 thì tăng chậm hẳn lại".

Về trách nhiệm giải quyết nợ xấu, Thống đốc Bình cho rằng nếu chỉ đơn thuần là nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về 2 đối tượng này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho (đã được thế chấp để vay vốn). Do đó việc tiêu thụ hàng tồn cũng có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu.

"Hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được số này thì nợ xấu cũng giảm được đáng kể. Ngoài ra, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn", Thống đốc nói.

Về đề án xử lý nợ xấu, ông Bình cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành, và hiện đang ở giai đoạn xin ý kiến Bộ Chính trị do còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan khác như Chính phủ, Quốc hội. "Với tư cách là Thống đốc, tôi không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo đề án, đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, tức là khoảng 3%", ông Bình phát biểu.

Trong phần phát biểu của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng dành thời gian để nói nhiều về tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng. Ông cũng lưu ý rằng bên cạnh việc mua bán, sáp nhập, quá trình này còn bao gồm nhiều nội dung khác như làm lành mạnh hóa tài chính các ngân hàng, vốn đang thu được nhiều kết quả tích cực.

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém Thống đốc cho biết Chính đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành, do Phó thủ tướng làm trưởng ban. Tại mỗi ngân hàng được xử lý cũng có ban chỉ đạo riêng "Như vậy, quá trình xử lý ngân hàng thương mại không phải chỉ có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều cơ quan, bộ ngành", ông Bình nói.

Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá cụ thể, đã có trong luật, người đứng đầu ngân hàng cho biết một mặt đang thực hiện thanh tra tại chỗ đối với 26 tổ chức tín dụng trong năm nay. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng mời các hãng kiểm toán độc lập để đánh giá sức khỏe ngân hàng. "Kết quả ban đầu cho thấy những tổ chức tín dụng yếu kém, cần tái cơ cấu đều rất xứng đáng", ông nói.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trong giai đoạn thống nhất với các tổ chức tín dụng về phương án xử lý, trên cơ sở tôn trọng tính tự nguyện của các nhà băng này. Ông cũng cam kết ngay khi có được kết quả cuối cùng, các con số cũng như phương án tái cơ cấu cụ thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Thực hiện đề án do Ngân hàng Nhà nước xây dựng, tính đến nay có 6 ngân hàng đã tiến hành tái cơ cấu theo lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Đầu tiên là vụ hợp nhất của 3 ngân hàng: Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ nhất và sau đó là thương vụ sáp nhập Habubank và SHB. TienPhongBank cũng là thực hiện tự tái cơ cấu với việc chào đón cổ đông mới là Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.
Theo Nhật Minh - Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.