Mặc dù chưa có văn bản chính thức về việc đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất nhưng thông điệp này đã tạo “cú hích” lạc quan cho thị trường trong những tháng cuối năm được dự báo là khó khăn.

Những con số “lên tiếng”

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến tháng 6/2011, dư nợ bất động sản khoảng 245.000 tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này nhưng đáng chú ý là nợ thuộc nhóm có khả năng mất vốn chiếm khoảng 40%.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5, dư nợ bất động sản của hệ thống ngân hàng là hơn 227.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,04% trong tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, sự không minh bạch, thủ tục kéo dài khiến các dự án không có đất sạch để triển khai, tình trạng cho vay nội bộ các đơn vị thuộc ngân hàng,… đã đẩy nợ xấu khu vực này tăng nhanh. Hiện nhiều ngân hàng vẫn xem xét các khoản vay nội bộ, tức là cho các cổ đông lớn của các ngân hàng vay tiền, nhưng các cổ đông lớn lại chính là chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay nợ xấu chưa đến mức báo động có thể làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tình trạng đang diễn ra khá xấu tại một số ngân hàng nhỏ, công ty tài chính có hệ thống giám sát rủi ro yếu kém.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam nhận xét, nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng lên, nhất là các ngân hàng nhỏ. Theo đó, sự suy giảm của thị trường bất động sản đang ảnh hưởng “dây chuyền” đến các ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.

Mặt khác, việc quy định hạn mức tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất (trong đó có bất động sản) trong thời gian ngắn từ 22% (ngày 30/6/2011) xuống còn 16% (ngày 31/12/2011) đã tạo sự khan hiếm vốn cho bất động sản. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn để hoàn thiện nốt phần dự án dở dang, giao dịch trên thị trường cũng vì thế mà chậm lại hoặc đóng băng.

Từ những nguyên nhân trên nên trong cuộc họp Chính phủ vào tháng trước, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã đề nghị Chính phủ về việc đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất.


Thông điệp “giải cứu” bất động sản

Loại bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất sẽ tạo một "cú hích" mới cho thị trường này . Ảnh: Nguồn internet

Thông điệp giải cứu

Mặc dù chưa có văn bản chính thức về việc đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất nhưng thông điệp này đã tạo “cú hích” lạc quan cho thị trường trong những tháng cuối năm được dự báo là khó khăn.

Mới đây, thông điệp đầu tiên của Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản” thay vì giảm dự nợ tín dụng bất động sản. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu mở van tín dụng như trường hợp Vietinbank cho Vinaconex Xuân Mai vay 300 tỷ đồng với lãi suất thương mại để xây dự án khu chung cư cho người có thu nhập thấp Kiến Hưng.

Hiện tại, những biến động trên thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, bởi bất động sản đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản ngân hàng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần phải xử lý ngay vấn đề bất động sản là tín dụng phi sản xuất. Bởi đây là khái niệm quá mông lung, nhiêu khê gây khó khăn cho các ngân hàng khi hàng ngày phải phân loại khoản vay nào là phi sản xuất, khoản vay nào là sản xuất.

Giới quan sát nhận định, nếu việc loại bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất trở thành hiện thực sẽ tạo một sự thay đổi đáng kể cho thị trường bất động sản và xây dựng. Ngoài ra, trước áp lực lạm phát như hiện nay cùng với động thái của các ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu hạ lãi suất, tín dụng được nới lỏng, giúp thị trường bất động sản lạc quan hơn về cuối năm.

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.