19/11/2015 7:41 AM
Chủ một căn nhà làm đơn xin từ chối được công nhận là di tích cấp quốc gia, thay vào đó họ sẽ tự bỏ tiền trùng tu. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận.

Sau tám năm được công nhận di tích cấp quốc gia, cụm nhà cổ 120 tuổi tại Thanh Phú Long, Châu Thành, Long An đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong ba căn được công nhận di tích thì một căn đang chờ sập được tận dụng làm kho chứa củi và phế liệu. Một căn khác cũng đang có dấu hiệu hư hỏng nhưng chủ nhà không đồng ý để nhà nước trùng tu và đang làm đơn xin… miễn công nhận là di tích!

“Xóm nhà giàu” đổ nát

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long gồm có bốn căn từ lâu được người dân địa phương gọi là “xóm nhà giàu” bởi sự xa hoa một thời của gia chủ. Ba căn nhà trong cụm di tích này (căn còn lại chủ nhà từ chối được công nhận di tích - PV) thuộc sở hữu của ba anh em trong dòng họ Nguyễn Hữu, vốn là những bậc hào phú một thời trong vùng.

Những căn nhà trong cụm di tích được xây theo kiểu biệt thự thời Pháp gồm ba gian, hai chái với bốn hàng cột gỗ căm xe to một người ôm không xuể. Bên trong nhà được trang trí các bức hoành phi, liễn... chạm trổ thủ công với họa tiết hình hoa lá, chim thú, hoa sen, do những người thợ tài hoa từ Huế vào làm ròng rã nhiều năm mới xong. Trong ba căn nhà thì căn cổ nhất được xây dựng từ năm 1893, tức tới nay đã trên 120 tuổi.

Chúng tôi đến căn nhà cổ của ông Nguyễn Hữu Phuôn, hiện do con gái là bà Nguyễn Thị Ngà ở. Cổng nhà đã rỉ sét nặng, đường vào nhà cỏ mọc um tùm. Dù mang tiếng là di tích quốc gia nhưng mấy năm qua căn nhà này gần như… nhà hoang, đầy bụi bặm, mạng nhện, phần sảnh trước được chủ nhà tận dụng làm kho chứa củi và đồ phế liệu. Phần lớn hệ thống cột phía trước nhà bị gãy đổ, chủ nhà phải dùng các thanh gỗ chống đỡ tạm. Cửa chính, cửa sổ mục nát, tường, nền gạch cũng bể nứt khá nhiều.

“Mỗi lần trời mưa giông là căn nhà lại rung lên bần bật. Mấy năm nay lo nhà đổ sập bất ngờ nên chúng tôi đóng hẳn nhà trước, chỉ ở nhà sau. Năm ngoái tỉnh có đến khảo sát và hứa trùng tu nhưng tôi đợi mãi không thấy. Không biết với tình trạng hiện tại, căn nhà có chờ nổi đến lúc Nhà nước sửa không” - bà Ngà tâm sự.

Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Phuôn đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.NAM

Nhiều khung gỗ chạm khắc trên bao lam bị rơi tại nhà ông Nguyễn Hữu Xuân. Ảnh: H.NAM

Căn nhà hiện nay của ông Nguyễn Hữu Phong đã thay đổi gần như 90% kiến trúc (trong ảnh phần phía trước căn nhà đã bị “hiện đại hóa”). Ảnh: H.NAM

Chờ sập vì…đợi vốn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử-văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Long An) cho biết hiện toàn tỉnh có 104 di tích, bao gồm 84 di tích cấp tỉnh và 20 di tích cấp quốc gia (trong số này có cụm nhà cổ Thanh Phú Long).

Từ năm 2012, tỉnh quyết định trùng tu căn nhà của ông Nguyễn Hữu Niên (căn xuống cấp nặng nhất, hiện do bà Trần Thị Ba, vợ ông Niên sử dụng) với kinh phí hơn 7 tỉ đồng. Trong quá trình trùng tu, các đơn vị chuyên môn đã cố gắng giữ lại một số chi tiết bên trong nhà, chỉ thay thế một số đoạn tường, kèo cột bị hư hỏng nên di tích sau trùng tu vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu.

“Hiện nay Long An còn rất nhiều di tích đang cần được trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, ngân sách địa phương thường ưu tiên bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng. Còn với các di tích thuộc sở hữu tư nhân như cụm nhà cổ Thanh Phú Long, chủ trương của tỉnh là kêu gọi xã hội hóa” - ông Thiện cho hay.

Cũng theo ông Thiện, qua khảo sát tỉnh nhận thấy căn nhà cổ của ông Nguyễn Hữu Phuôn đang xuống cấp nghiêm trọng nên tỉnh đã có kế hoạch trùng tu. Tuy nhiên, điều này chưa thể thực hiện ngay do nguồn kinh phí dự trù lên tới khoảng 7 tỉ đồng, tương đương với căn nhà của ông Nguyễn Hữu Niên đã trùng tu trước đó. “Chúng tôi rất thông cảm với lo lắng của chủ nhà nhưng do kinh phí quá lớn nên tỉnh chỉ còn biết chờ vốn từ trung ương” - ông Thiện nói.

Chủ nhà không muốn công nhận là di tích

Trước năm 2007, quá trình khảo sát để công nhận cụm bốn nhà cổ là di tích cấp quốc gia bị… trục trặc bởi chủ sở hữu của một trong bốn căn nhà là ông Nguyễn Hữu Phong từ chối việc công nhận là di tích. Cụm di tích sau đó vì thế chỉ còn lại ba. Ông Nguyễn Văn Thiện cho hay theo Luật Di sản, do đây là tài sản cá nhân nên nếu chủ nhà không đồng ý thì không thể tiến hành công nhận di tích. Qua nhiều năm chủ nhà tự ý sửa chữa nên hiện tại căn nhà cổ nói trên đã bị lai tạp kiến trúc đến 90%.

Dù được bảo dưỡng thường xuyên nhưng căn nhà của ông Nguyễn Hữu Xuân (được xem là tương đối còn nguyên vẹn trong cụm nhà cổ) cũng đang có dấu hiệu xuống cấp. Theo quan sát của phóng viên, hiện một số hạng mục như tường, nền nhà đã bị lún, nứt. Một số họa tiết tinh xảo trên bao lam cũng đã bị mối mọt làm hư hại, một số bị gãy rơi, chủ nhà phải gom lại để một nơi. Những bức tranh cổ hàng trăm năm tuổi bên trong căn nhà cũng đang bị hư hại khá nhiều.

“Chúng tôi đã làm đơn gửi nhiều cơ quan để xin… khỏi công nhận là di tích nữa nhưng chưa được xem xét. Nhà nước cũng có ý định trùng tu nhưng tôi không đồng ý. Đây là tài sản ông cha từ nhiều đời để lại nên chúng tôi sẽ tự bỏ chi phí ra tu sửa” - ông Xuân nói.

Hoàng Nam (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.