Khu nhà tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai) bị hư hỏng, xuống cấp.
Từ năm 2001 đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng 173 tòa nhà chung cư tái định cư, với hơn 15.200 căn hộ. Phần lớn các tòa nhà này được giao cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý. Quỹ nhà này đã phần nào đáp ứng nhu cầu bố trí nhà tái định cư, phục vụ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, để bảo đảm cuộc sống của người dân về nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm giá bán căn hộ, quy định mức trần giá dịch vụ, ưu tiên người dân tái định cư được thuê tầng một tòa nhà để kinh doanh... Tuy nhiên, do đơn vị quản lý tòa nhà buông lỏng quản lý trong thời gian dài đã dẫn đến các tòa nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng. Công tác bảo dưỡng, bảo trì tòa nhà và các trang thiết bị không được quan tâm, khiến người dân bức xúc.
Bí thư chi bộ 49, khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Thanh phản ánh, chất lượng nhà chung cư quá kém, nhất là tám tòa nhà từ tòa B3 đến B11. Hệ thống thang máy thường xuyên hỏng hóc, cần sớm được kiểm tra. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bị vô hiệu hóa do tòa nhà không có nước chữa cháy, nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ gây hậu quả khôn lường. Ông Phạm Đình Thái, đại diện cho những người dân nhà 17T10, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết thêm, từ khi dọn đến tòa nhà tái định cư vào năm 2005, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, do các trang, thiết bị tòa nhà thiếu thốn hoặc thường xuyên hư hỏng. Hai trong số ba thang máy của tòa nhà liên tục bị hỏng. Phòng sinh hoạt cộng đồng không có. Các hộ dân khi có ma chay, cưới hỏi, họp hành... không biết tổ chức ở đâu. Tường nhà, trần nhà bong tróc, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt mất liên tục. Người dân đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý nhà khắc phục, nhưng không được đáp ứng. Thất vọng trước chất lượng nhà quá kém và thái độ vô cảm của đơn vị quản lý, một phần ba các hộ dân buộc phải bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Hai phần ba các hộ còn lại không có điều kiện chuyển đổi chỗ ở, buộc phải bám trụ hoặc cho thuê giá rẻ, rồi thuê nhà nơi khác ở. Đến năm 2006, khi Luật Nhà ở có hiệu lực, người dân nhanh chóng bầu ban quản trị tòa nhà, với đại diện đầy đủ các thành phần từ chi bộ Đảng, tổ dân phố, nhưng phía công ty quản lý nhà thờ ơ, không cử đại diện tham gia, cho nên UBND quận không có cơ sở để công nhận tư cách pháp nhân, vì thế, Ban quản trị tòa nhà buộc phải hoạt động dưới hình thức “lâm thời”.
Ngoài vấn đề chất lượng tòa nhà xuống cấp, người dân còn bức xúc trước việc đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà chung cư chậm trễ hoặc kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị tòa nhà; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì thiếu công khai, minh bạch. Nhiều căn hộ tái định cư, diện tích kinh doanh dịch vụ tầng một bị bố trí sai đối tượng hoặc bỏ trống lãng phí…
Đánh giá về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế. Cụ thể, công ty đã tự ý bố trí cho các đơn vị, cá nhân sử dụng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng một khi chưa được UBND thành phố chấp thuận, không tổ chức đấu thầu theo quy định với diện tích gần 6.000 m2. Để trống gần 10.700 m2 nhà, trong khi nhiều dự án thiếu quỹ nhà tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng…
Trước những ý kiến bức xúc của người dân, tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tổ chức ngày 11-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố luôn quan tâm đến cuộc sống của những người dân đã nhường đất để triển khai các dự án phát triển đô thị. Đối với những sai phạm của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, thành phố yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Các cá nhân, tập thể sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu đến tháng 5-2017, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện rà soát, phân loại quỹ nhà tái định cư; đề xuất quy trình, quy định vận hành, quản lý từng tòa nhà, từng khu cho phù hợp với nguồn gốc hình thành; hoàn thành các hạng mục sửa chữa cấp bách; khẩn trương thành lập ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, các vấn đề cử tri nêu lên cho thấy biểu hiện của việc thờ ơ, vô trách nhiệm, lợi ích nhóm trong công tác quản lý nhà tái định cư. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ giám sát đến cùng sự việc này, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, vận hành chung cư tái định cư, bảo đảm chất lượng sống cho người dân.