17/02/2017 3:30 PM
Không chỉ những người mua căn hộ cao cấp, mà ngay cả mua nhà giá rẻ, cũng rất lo lắng trước việc thắt chặt tín dụng bất động sản trong năm 2017. Người mua sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn, nếu vay được cũng phải trả với lãi suất cao hơn, nhất là những ai có nhu cầu mua nhà thật.
Rao bán cắt lỗ
Chạy đua trước khi bị siết nguồn vốn từ ngân hàng, các chủ đầu tư đua nhau mở bán dự án ra thị trường. Trong khi đó, phía người mua lại tỏ ra lo lắng. Đang có kế hoạch mua căn hộ trong năm nay, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (quận Ba Đình, Hà Nội) than thở: “Hai vợ chồng đang tính vay thêm tiền ngân hàng mua nhà, tìm mãi mới được dự án ưng ý. Nhưng, nếu khó vay mình sẽ phải cân nhắc lại”.
Theo tìm hiểu của anh Tuấn, các ngân hàng cho hay sẽ quản lý chặt chẽ hơn đối tượng vay vốn, không phải dự án nào cũng được giải ngân. Đặc biệt, ngoài hạn chế cho vay, các ngân hàng cũng sẽ áp dụng lãi suất cao, điều này khiến vợ chồng anh sẽ gặp khó khăn lớn.
Giải pháp cuối cùng vợ chồng anh Tuấn tính đến là đi vay lãi của người nhà, trả họ lãi suất bằng với lãi suất huy động tại các ngân hàng. “Đành phải vay của họ hàng, trả lãi suất hàng tháng, chứ nếu trả cả tiền gốc thì lương của hai vợ chồng không đủ chi trả và chi tiêu hàng ngày”, anh cho biết.
Lo ngại lãi suất sẽ tăng cao, không ít khách hàng đang vay mua nhà bất an. Hầu hết các hợp đồng vay thương mại đều không cố định lãi suất, chính vì thế khi lãi suất biến động tăng lên, người vay sẽ gặp khó khăn. Trên thị trường BĐS đã xuất hiện nhiều dự án chung cư cao cấp bán cắt lỗ. Tuy nhiên, muốn bán cũng không phải dễ dàng gì.
Anh Thành đang rao bán cắt lỗ căn hộ ở Hà Đông cho biết, anh đang đi vay ngân hàng để mua nhà. Do có thông tin siết chặt nguồn vay, lo ngại sẽ gặp tình trạng như năm 2011, anh Thành đã phải vay vốn với giá “cắt cổ”, lên tới vài chục phần trăm, trong khi đó, giá nhà đất giảm nên bán cũng không xong. Anh đăng tin rao trên mạng, nhờ người quen tìm khách nhưng 2 tháng nay cũng chưa tìm được.
Không chỉ những người mua căn hộ cao cấp như anh Tuấn mà ngay cả mua nhà giá rẻ cũng đang lo lắng. Chị Nguyễn Thu Hải (Bắc Giang) cho biết, tới nay, gia đình chị có khoảng 500 triệu, dự định vay thêm để mua căn hộ giá rẻ 1 tỷ đồng.
Nhưng hiện gói vay 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, chị Hải đang chờ đợi gói vay mới, nếu không sẽ khó có thể “mơ” mua được một căn hộ tại Hà Nội. Mới đây, gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng chính thức kết thúc. Ngân hàng Nhà nước đã bác đề xuất cho gia hạn gói vay này.
“Gói vay 30.000 tỷ đồng cho cả người mua nhà thương mại giá rẻ vay, nhưng thấy bảo gói mới chỉ áp dụng với nhà ở xã hội, như điều kiện gia đình mình thì không thể vay được”, chị Hải cho biết thêm.
Khách hàng đang tính toán trước khi mua nhà
Thị trường sẽ phát triển chậm lại
Ông Phạm Đức Toản, giám đốc một doanh nghiệp BĐS, nhận định, phân khúc căn hộ trung và cao cấp đa số khách hàng là đi vay để mua, trong khi đó giá trị bất động sản trung cao cấp thì lại lớn nên lượng vay rất nhiều. Nguồn cung dự án phân khúc này thời gian gần đây lại khá lớn.
“Việc siết tín dụng vào bất động sản chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và chung quy lại, mọi thiệt hại sẽ đổ lên đầu khách hàng. Bởi, nếu anh vay khó thì hoặc là anh phải chấp nhận lãi suất cao, hoặc một hình thức nữa tôi nghĩ sẽ phổ biến hơn là chủ đầu tư sẽ tăng giá bán để dùng phần đó trả lãi suất cho ngân hàng”, ông Toản nói.
Với khả năng tín dụng BĐS bị siết lại, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng thương mại dự kiến: Một là, sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BĐS trung và dài hạn. Do đó lãi suất cho vay BĐS có khả năng sẽ tăng
Khả năng thứ hai, vì hệ số rủi ro cho tín dụng BĐS tăng cao (từ 150% lên 250%) buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay BĐS hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó, có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại.
"Chính vì thế, lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh và đầu tư BĐS, cả người mua vì giá BĐS có thể sẽ tăng, việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế", TS. Hiếu nói.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Công ty N.L., nhận định, người dân muốn mua nhà sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do giá bất động sản tăng, người vay mua nhà sẽ khó khăn và lãi suất sẽ cao. Theo ông Quang, thời gian tới, tốc độ phát triển của thị trường BĐS có thể sẽ chậm lại.
Duy Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.