Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt tháng 12/1997 trên diện tích 300 hécta, trong đó có 110 hécta thuộc địa bàn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190 hécta thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Làng Đại học Đà Nẵng được quy hoạch có quy mô đào tạo cho 30.000 sinh viên, kinh phí đầu tư tại thời điểm năm 1997 là 1.700 tỷ đồng do Đại học Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án hứa hẹn mở ra cơ hội lớn để thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm đào tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hơn 2.000 hộ dân ở 2 địa phương này phải di dời, giải tỏa nhường đất cho dự án.
17 năm trôi qua, hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án khổ sở vì “quy hoạch treo”. Anh Phạm Công Minh, ở đường Lưu Quang Vũ, xã Hòa Quỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng nhớ lại: gia đình anh có hơn 3.000 m2 đất đã được cấp sổ đỏ, sống ổn định từ sau năm 1975. Dự án triển khai khi anh mới 13, 14 tuổi mà nay anh đã ngoài 30, có gia đình, cha mẹ cũng mất, cả “đại gia đình” gồm 4 hộ với hơn 20 người sống chen chúc trong 1 ngôi nhà vì không có đất để làm nhà ở riêng.
“Tôi nhận thông báo cắm bảng từ năm 1997 đến giờ vẫn chưa thấy kiểm định hay thông báo thu hồi đất, điều chỉ đất đi hướng nào. Muốn tách khẩu lên phường buộc phải có nhà ở, nhưng lại không xin được giấy phép xây dựng”- anh Minh ngao ngán.
Vướng quy hoạch nên 17 năm qua, dân không được làm nhà kiên cố, không được cơi nới, không được tách hộ khẩu... Trong lúc đó, bên trong khu vực quy hoạch xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng, tình trạng sang nhượng đất, xây dựng nhà trái phép lại diễn ra phức tạp. Hai bên đường dẫn vào trường Cao đẳng Công nghệ thông tin đã có hàng trăm ngôi nhà cấp 4 mọc lên trái phép với các dịch vụ ăn theo trước cổng trường để phục vụ sinh viên...
Trong giai đoạn I của dự án từ năm 2003 - 2005, Đại học Đà Nẵng đã bỏ ra hơn 1,6 tỷ đồng để xây dựng 1 khu tái định cư diện tích hơn 1 hécta trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và hơn 1 km tường bao.
Mang tiếng là khu tái định cư, nhưng mới có 2 hộ được bố trí dưới dạng định cư tại chỗ, còn lại hơn 100 hộ dân có nhà đã được kiểm kê, áp giá đền bù lại không có tiền chi trả, nên bà con chưa vào ở trong khu tái định cư. Giải đoạn II của dự án từ năm 2007 - 2013 đã được bố trí gần 200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bao, xây dựng một số khu giảng đường, nhưng đến nay cũng mới hoàn thành 3 khu nhà học, 2 đơn nguyên ký túc xá sinh viên và một phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Kinh phí cấp “nhỏ giọt” cho mỗi giai đoạn không đủ để giải phóng mặt bằng nói gì đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư. Ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Cơ quan nhà nước vi phạm một số vấn đề cơ bản về quyền sử dụng đất. Trong khi họ ở rất ổn định từ đời ông, đời cha con cháu thậm chí có bìa đỏ ổn định theo quy định của Pháp luật rồi nhưng mà không được chuyển nhượng, không được thế chấp, không được tách hộ. Tôi thấy vấn đề này rất cấp bách, chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc không để kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Vinh phân tích.
Tình trạng Dự án kéo dài tới 17 năm có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân chính là... thiếu tiền. Dự án chậm tiến độ kéo theo nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân Không những thế, chi phí thực hiện Dự án cũng tăng cao. PGS-TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: Chi phí đã đội lên gấp nhiều lần, mong Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm cho cơ chế, tạo nguồn vốn để triển khai dự án.
PGS-TS Ngô Văn Dưỡng cho hay: “Cấp kinh phí chậm dẫn đến trượt giá. Thứ 2 là để giải quyết bức xúc của dân từ năm 1997 đến nay, 2, 3 thế hệ rồi. Nhà người ta nằm trong quy hoạch, xây dựng mới không được phải xây trái phép thôi, chính vì vậy từ 500 tỷ bây giờ thành 2.000 tỷ rồi, nếu mà để nữa thì số tiền còn tăng nữa”.
“Chúng tôi tha thiết kêu gọi Chính phủ quan tâm để giáo dục miền Trung phát triển để tìm kiếm nguồn đầu tư. Chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước tạo cơ chế cho Đại học Đà Nẵng kêu gọi đầu tư sau khi có đất sạch” - ông Dưỡng bộc bạch.
Trước bức xúc của hàng ngàn người dân về tình trạng dự án kéo dài 17 năm qua, mới đây, đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đại học Đà Nẵng đã ngồi lại với nhau bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Vấn đề nằm ở chỗ đã xác định triển khai thì phải quyết liệt. Nếu không triển khai hoặc triển khai ở mức độ thì phải tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch, phân kỳ đầu tư. Chúng tôi quản lý khu vực đó 17 năm rồi, nhân dân vất vả, chính quyền cũng rất vất vả”.
“Chúng tôi mong muốn đã có quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì phải tuân thủ và dự án này cần thiết phải triển khai” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến.
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vẫn còn nợ hàng ngàn hộ dân nơi đây câu trả lời về Dự án Làng Đại học Đà Nẵng tiếp tục triển khai hay dừng lại?
Đã đến lúc cũng phải nói lời xin lỗi người dân vì Dự án ì ạch kéo dài qua 2 thế kỷ. Hơn 2.000 gia đình trong vùng dự án “sống dở chết dở” cũng vì dự án này./.
-
UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị thu hồi hơn 742ha đất để triển khai 23 dự án
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 278/TTr-UBND gửi đến Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc đề nghị thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất năm 2025.
-
Cao tốc đi qua “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” sẽ được mở rộng lên 4 làn xe
Tuyến cao tốc La Sơn – Hòa Liên dài 65km hiện hữu quy mô 2 làn xe sẽ được mở rộng lên 4 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này đi qua khu vực đèo Hải Vân, nơi được ví như “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” của Việt Nam....
-
Đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng kết nối khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam
UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng danh mục gồm 33 dự án hạ tầng kỹ thuật nằm trong và ngoài khu thương mại tự do thuộc khu vực huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.