23/07/2016 8:50 AM
Nhu cầu nhà cho thuê rất lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt do chưa đủ cơ chế, chính sách hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này.

Phát triển nhà ở cho thuê vẫn luôn được xác định là hướng đi đúng và cần thiết nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư xây dựng phân khúc nhà ở cho thuê, nhưng thực tế các nhà đầu tư vẫn không mặn mà với loại nhà này.



Phân khúc nhà ở cho thuê chiếm khoảng 5-7% tổng cầu nhà ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Ngay sau khi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê căn hộ, rất nhiều người thu nhập thấp chưa có nhà ở đã háo hức mong chờ, hy vọng có được một suất thuê để sau 5 năm có cơ hội được mua luôn căn hộ đó. Tuy nhiên, số căn hộ cho thuê chỉ vỏn vẹn 136 trên tổng số 630 căn hộ, nên việc đăng ký hồ sơ, rồi bốc thăm để được thuê nhà ở xã hội khá căng thẳng.

Một người dân cho biết, lượng hồ sơ nộp vào rất nhiều với tỷ lệ 1 chọi 3, việc bốc thăm căn hộ hồi hộp như thi đại học. Hiện có 136 căn cho thuê thì đã có 58 căn đã hoàn thiện bốc thăm đợt 1, đợt 2 còn 78 căn đến ngày 23/7 sẽ bốc thăm tiếp. Số lượng hồ sơ nộp đợt 2 so với chỉ tiêu thì cũng vênh nhau khá lớn.

Ở hầu hết các dự án có nhà cho thuê, tình trạng cầu vượt xa cung cũng diễn ra tương tự. Hầu hết người dân quan tâm đến sản phẩm nhà ở này là các gia đình trẻ đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng chưa đủ tiền. Mặc dù mức giá thuê nhà cũng không nhỏ, có khi tới 4 triệu đồng/tháng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận thuê để giành cơ hội mua lại sau 5 năm nữa. Trong khi nhu cầu đối với phân khúc nhà ở xã hội cho thuê rất cao thì nguồn cung lại hạn chế, số dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều dự án ở rất xa trung tâm.

Lý giải về việc các doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc nhà cho thuê, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành (TP HCM) – đơn vị đã đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở cho thuê cho biết, đa số các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào phân khúc này vì chẳng khác nào bỏ tiền tỷ rồi thu nhỏ giọt. Bên cạnh vấn đề thu hồi vốn chậm, thì thủ tục, hỗ trợ vốn khó khăn, mất nhiều thời gian cũng khiến doanh nghiệp “ngán ngẩm”.

“Một dự án nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để được phê duyệt kéo dài có khi đến 3 năm chưa xong làm cho doanh nghiệp nản. Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng chưa sắp xếp vốn cho doanh nghiệp vay để làm nhà ở cho thuê để sau đó thu tiền nhỏ giọt. Ngoài ra, dù có các ưu đãi trong Nghị định nhưng các cơ quan thực thi cấp dưới lại nói: Đấy là Nghị định là quy định của Chính phủ, doanh nghiệp muốn được ưu đãi thì phải làm đơn xin theo Nghị định đó lên thành phố xem cơ quan này cho phép mới được ưu đãi”, ông Nghĩa chia sẻ.

Không chỉ nguồn cung hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng giá cho thuê nhà ở xã hội nhiều nơi vẫn cao, chưa phù hợp với người thu nhập thấp. Nhà cho người thu nhập thấp thuê chỉ nên có mức giá trên dưới 2 triệu đồng/căn/tháng, không thể 3-4 triệu đồng/tháng thậm chí còn cao hơn. Để giải bài toán giữa lợi nhuận của nhà đầu tư với nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người nghèo đô thị, rõ ràng cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ linh hoạt của Nhà nước.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – ông Trần Ngọc Hùng phân tích: “Vấn đề quan trọng nhất là chưa tạo điều kiện khuyến khích, các cơ chế, chính sách về đất đai, hạ tầng, về lãi suất Nhà nước hỗ trợ thế nào... Doanh nghiệp làm nhà cho thuê, thuê mua thu hồi vốn rất chậm mà Nhà nước không có cơ chế, chính sách khuyến khích thì người ta rất ngại. Làm Nhà ở xã hội bán 1 lần đã chậm, bây giờ cho thuê 20 năm, 25 năm cũng có thu hồi vốn được đâu. Tất cả là bài toán kinh tế”.

Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích sàn nhà ở trong phạm vi dự án dành để cho thuê. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho nhà ở cho thuê đã cao hơn ưu đãi dành cho nhà ở xã hội để bán, nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp lại muốn xin chuyển hết tỷ lệ bắt buộc làm nhà ở xã hội cho thuê thành loại căn hộ để bán.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách thúc đẩy hơn nữa phát triển phân khúc nhà cho thuê.

“Ở khu vực và trên thế giới, phân khúc cho thuê trong tổng cầu nhà ở chiếm khoảng 65-70%, còn ở Việt Nam hiện nay tỷ lệ này rất thấp, chỉ khoảng 5-7% là đang đi ngược quy luật. Thực tiễn ở 1 số địa phương như Bình Dương, TP HCM và một số địa phương khác đang có rất thiếu nhà ở cho thuê, nhưng 1 số địa phương vẫn có đề nghị với Bộ Xây dựng phần tỷ lệ dành cho thuê lại đem bán. Đây là tâm lý chung của doanh nghiệp cho nên các địa phương cần chú ý trong quá trình phê duyệt, quản lý nhà ở xã hội phải chặt chẽ, không đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp cho bán nốt phần nhà ở cho thuê, như vậy thì không giải quyết được bài toán thực tiễn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ rõ.

Mặc dù có nhu cầu cao nhưng việc phát triển nhà ở cho thuê vẫn loay hoay trong nhiều năm nay. Thực tế này đòi hỏi cần được tháo gỡ không chỉ bằng chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư, mà còn cả việc giải quyết, xử lý ở các cấp cơ sở, tránh để tình trạng chính sách có nhưng thực thi không hiệu quả./.

Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.