Theo thống kế năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu gạch ốp lát các loại khoảng 70 triệu USD. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 51 triệu USD, sứ vệ sinh khoảng 2,1 triệu USD trên tổng số 6,7 triệu USD.
Hiện các sản phẩm ngoại đang chiếm đa số thị phần vật liệu xây dựng
Rôm rả hàng ngoại
Hiện nay, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng có rất nhiều sản phẩm xuất sứ là hàng ngoại nhập với các nhãn hàng nổi tiếng như: Toto, Ceasar, American Standard, Inax...Tuy nhiên, hàng Trung Quốc được xem là đối thủ nặng cân về giá cả lẫn mẫu mã đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chủ cửa hàng cho biết, hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam và các loại hàng ngoại nhập khác. Chẳng hạn, gạch lát nền loại 60x60cm của Trung Quốc giá bán 180.000-195.000 đồng/m2. Trong khi mặt hàng cùng loại trong nước 235.000-250.000 đồng/m2, hàng cùng loại của Ý, Đức có giá cao gấp rưỡi.
Tương tự, gạch ốp tường của Trung Quốc loại 20x20 cm giá chỉ 140.000-180.000 đồng/m2, thấp hơn hàng sản xuất trong nước gần 100.000 đồng/m2. Ngoài lợi thế về giá cả, các sản phẩm gạch lát nền, gạch ốp tường của Trung Quốc nhìn bề ngoài khá bắt mắt về hoa văn và màu sắc.
Đó là ở phân khúc giá bình dân, còn với hàng cao cấp đòi hỏi tính mỹ thuật và kỹ thuật chế tác cao thì gạch Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, dù giá cao hơn. Có những loại gạch Trung Quốc giá đến vài triệu đồng/m2, gấp nhiều lần hàng cùng loại do trong nước sản xuất, song vẫn được người mua ưa chuộng.
Riêng các mặt hàng thiết bị vệ sinh sản xuất trong nước cũng đang bị hàng ngoại, hàng liên doanh lấn sân vì ít sản phẩm. Hiện thị trường sản phẩm sứ vệ sinh "thuần Việt" có rất ít tên tuổi có chỗ đứng vì sản phẩm đơn điệu, kém thu hút, chỉ có vài nhà sản xuất quen thuộc như: ThiênThanh, Dona, Viglacera.
Về giá cả, hàng Việt Nam tuy có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh gay gắt, bởi hàng Trung Quốc khi thị trường lại đang tràn ngập hàng sứ vệ sinh dạng này với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.
Bài toán cạnh tranh, nặng vai doanh nghiệp
Hiện bài toán cạnh tranh đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Mặc dù gần đây, các nhà sản xuất trong nước cũng đang cố gắng giảm chi phí để có giá cạnh tranh hơn, song điều này không dễ vì chi phí sản xuất cao do một số công ty phải nhập khẩu men, công nghệ... dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn.
Theo phòng phân tích CafeLand, hiện các sản phẩm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp Việt Nam mới đơn thuần đáp ứng được công năng sử dụng và đang bị đẩy lùi xuống phân khúc trung bình và thấp.
Song, ở phân khúc này, các doanh nghiệp Việt Nam lại phải cạnh tranh với hàng trôi nổi nhập từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng và chất lượng không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc thị trường tràn ngập các loại vật liệu xây dựng không minh bạch về nguồn gốc có phần do khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường từ các cấp còn quá lỏng lẻo.
Thiết nghĩ, các cơ quan cần có biện pháp chống hàng vật liệu xây dựng có chất lượng kém và hàng trốn, lậu thuế một cách quyết liệt, ngăn chặn triệt để hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, lập hàng rào kỹ thuật về nhập khẩu gạch ốp lát để quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng đồng thời giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất.
Riêng các doanh nghiệp việt Nam nên tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để hoạt động sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nên tích cực cải tiến mẫu mã mới, hiện đại và linh hoạt hơn để phục vụ người tiêu dùng.