27/09/2013 7:49 PM
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về quản lý thị trường vàng.

Phóng viên: Việc kinh doanh vàng miếng đã thắt chặt, mạng lưới kinh doanh vàng miếng thu hẹp liệu có bất tiện trong giao dịch vàng miếng của đại đa số người dân nắm giữ ít vàng?

Ông Nguyễn Quang Huy: Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, thị trường vàng không có các quy định quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Do đó, vàng miếng dần dần trở thành phương tiện thanh toán và khó quản lý.

Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân đối với vàng miếng, để triển khai Nghị định 24, từ cuối năm 2012 đến nay, một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới đã được thiết lập, có quản lý, bao gồm 38 Tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp (DN) với gần 2.500 địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép phải niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Qua hơn 8 tháng triển khai, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân đã được đảm bảo và bảo vệ.

59,87 tấn vàng đã được đấu thầu nhưng vẫn có những ý kiến chưa tin tưởng đây là một sân chơi bình đẳng, vẫn có hiện tượng đầu cơ làm giá trên thị trường. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý được xác lập, thời gian qua, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường. Giải pháp này đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường, hàng ngày NHNN theo dõi, giám sát chặt chẽ báo cáo của các TCTD, DN về tình hình sử dụng vàng miếng mua từ NHNN, trong đó các đơn vị báo cáo chi tiết về mục đích sử dụng, các khoản đã bán cho từng đối tượng tại mức giá và khối lượng cụ thể.

Từ ngày 28/3 đến 25/9/2013, NHNN đã tổ chức 61 phiên đấu thầu bán vàng miếng, tổng khối lượng vàng miếng đã bán ra thị trường khoảng 59,87 tấn. Trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các TCTD sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại các TCTD, DN trúng thầu đã sử dụng để bán lại trên thị trường.

Kết quả cho thấy vàng miếng mua qua đấu thầu được các TCTD, DN sử dụng để bán ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người dân và một phần để chi trả vàng đến hạn cho người dân gửi vàng tại TCTD.

Ngoài ra, NHNN đã yêu cầu các TCTD, DN hàng ngày phải báo cáo chi tiết về doanh số mua, doanh số bán vàng miếng (cụ thể về khối lượng, giá trị) cho từng đối tượng khách hàng là tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, kết quả cho thấy số lượng vàng các TCTD, DN trúng thầu bán lại ra thị trường chủ yếu cho đối tượng là khách hàng cá nhân, số lượng bán lại cho các DN kinh doanh mua, bán vàng miếng là không đáng kể.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, hàng ngày NHNN theo dõi chặt chẽ việc TCTD tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, các TCTD đều nghiêm túc tuân thủ quy định này của NHNN, toàn hệ thống duy trì trạng thái vàng ở mức trung bình khoảng 0,14% trên vốn tự có.

Nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ vàng, NHNN đang khẩn trương triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, dự kiến NHNN sẽ tăng cường theo dõi, giám sát báo cáo chi tiết các giao dịch của các DN kinh doanh mua, bán vàng miếng với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng.

Như vậy, sau hơn 1 năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, phải khẳng định: quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo đảm; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân;

Đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đến nay, thị trường vàng đã ổn định hơn, sự mất cân đối về cung cầu vàng trong nước đã được thu hẹp, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được thu hẹp, từ mức cao nhất 6-7 triệu đồng/lượng, đến nay chỉ dao động quanh mức 2-3,5 triệu đồng/lượng.

Thời báo ngân hàng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.