08/10/2023 4:29 PM
Giá thép xây dựng trong nước vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, ngành thép vẫn kỳ vọng phục hồi nhờ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn của ngành giao thông.

Tiêu thụ bật tăng nhờ cao tốc, sân bay

Chỉ trong 3 tháng qua, giá thép đã liên tục điều chỉnh giảm. Sau gần 20 lần giảm giá trong năm nay, hiện giá thép đã về mức đáy trong 3 năm, khoảng 13 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân khiến giá thép liên tục phải điều chỉnh giảm là để kích cầu tiêu thụ, nên các doanh nghiệp trong ngành buộc phải giảm giá chung với đà giảm của thế giới. Mặt khác, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thép cũng đang trong xu hướng giảm, đồng thời nguồn cung thép cũng đang dồi dào, hàng tồn kho còn lớn.

Tiêu thụ thép bật tăng nhờ các dự án cao tốc, sân bay

Dù thị trường vẫn còn ảm đạm, song nhiều chuyên gia kỳ vọng, về cuối năm khi bước qua mùa mưa, nhiều dự án bất động sản, đầu tư công được triển khai mạnh mẽ sẽ đẩy giá thép hồi phục trở lại. Kỳ vọng tăng giá thép là có cơ sở khi nhiều dự án giao thông lớn đang và sẽ được triển khai.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM) tổng chiều dài 76 km, tổng đầu tư 75.000 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 18/6. Dự án Vành đai 4 (Hà Nội) tổng chiều dài 112 km, tổng mức đầu tư 86.000 tỷ đồng khởi công vào ngày 25/6. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tổng chiều dài 188,2 km được khởi công từ 17/6 với tổng đầu tư 44.691 tỷ đồng…

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 gói thầu quan trọng nhất của sân bay Long Thành giai đoạn trong ngày 31/8. Trong đó, gói thầu thứ nhất (số 5.10) là thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng. Gói thầu thứ hai (số 4.6) xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay với giá trị đầu tư 7.300 tỷ đồng.

Những dự án này tạo ra nhu cầu lớn về sắt thép. Do đó, đây là cơ sở được kỳ vọng sẽ kéo giá thép đi lên trong thời gian tới.

Theo thông tin vừa công bố, Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp có thị phần lớn về ngành thép tại Việt Nam, cho biết sản lượng bán hàng trong tháng 9 vừa qua cao nhất từ đầu năm, trong đó thép xây dựng dẫn đầu tốc độ tăng trưởng. Một phần nhờ dự án giao thông cao tốc Bắc - Nam và sân bay mới được triển khai, thúc tiến độ.

Cụ thể, trong tháng 9, doanh nghiệp này sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng trước. Doanh số bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thông tin đáng chú ý là thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng trước.

Sau 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép các loại đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ 2022.

Còn theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 8 tháng đầu năm, sản xuất thép thô của toàn ngành đạt 12,4 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 12,1 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép thô đạt 1,3 triệu tấn, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2022.

VSA dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, theo nhiều chuyên gia, thị trường thép có thể được cải thiện và tăng trưởng trong quý còn lại của năm nay, khi nhu cầu xây dựng tăng cao.

Bước vào giai đoạn phục hồi?

Hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép cho rằng những gì khó khăn đã phản ánh trong một năm qua, thời gian tới sẽ là giai đoạn phục hồi, tốc độ tăng trưởng tuy chưa bùng nổ ngay lập tức. Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị phương án tăng sản xuất, huy động vốn đảm bảo tài chính cho bước dài hạn sắp tới.

Xây cầu cạn cao tốc được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được bài toàn đầu ra của ngành thép

Đơn cử, Công ty CP Tôn Đông Á mới đây được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HXN) quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch hơn 114,69 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ 3 với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Trong khi đó, lãnh đạo Hòa Phát cho biết nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.

Chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép trong những tháng còn lại năm 2023 bởi tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về một sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc triển Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công.

“Giai đoạn quý 4/2023, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. Để có sự thay đổi đột biến, ngành phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên” lãnh đạo Hòa Phát nhận định

Chủ đề: Đầu tư công 2024
Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.