Bất động sản dân dụng chiếm hơn 60% nhu cầu ngành thép
Nhiều ngày nay, giá thép xây dựng liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh. Cứ trung bình khoảng 7-10 ngày, mặt hàng này lại có một đợt giảm giá.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước giảm sâu tới 19 lần liên tiếp. Sau 19 phiên giảm này, giá thép đã về đáy thấp nhất trong 3 năm qua, dao động quanh mức 13 triệu đồng/tấn.
Thị trường bất động sản dân dụng chiếm hơn 60% nhu cầu ngành thép
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Theo VSA, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng thời gian qua sụt giảm đáng kể đến từ nguyên nhân thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Mặc khác, việc giá thép biến động mạnh đã làm các dự án đầu tư công cũng như thi công xây dựng dân dụng bị đình trệ, kéo theo nhu cầu về mặt hàng này ở mức thấp.
Các công ty chứng khoán nhận định, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Hiện tại, một số tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện. Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023.
Các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay
Tại một sự kiện diễn ra mới đây tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết ngành xây dựng đã phải đối mặt với sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường trong 6 tháng đầu năm nay.
Thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hạn chế ở hầu hết các loại hình. Số lượng các dự án mở bán rất ít, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cả nước và ngành xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Các dự án bất động sản đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.
“Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động”, Bộ trưởng Xây dựng nhận định.
Bao giờ ngành thép mới hồi phục?
Đánh giá về mối liên quan giữa giá thép và thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do cung cầu. Hiện cầu không tăng nhiều mặc dù đầu tư công tăng đáng kể thời gian qua, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.
Do đó, để ổn định giá thép trong nước, ngoài việc kích cầu đầu tư, cần phải đẩy mạnh khơi thông các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, bởi thép chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng là chính, còn thép phục vụ cho các ngành hàng, hoạt động khác không đáng kể.
Trong báo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết nhu cầu tiêu thụ thép năm 2023 chịu ảnh hưởng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong đó thép xây dựng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất.
Sản lượng tiêu thụ nội địa trong quý 2/2023 đạt mức 6,5 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ mức giảm 9% của thép xây dựng (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ toàn ngành). Bên cạnh đó, tiêu thụ tôn mạ trong giai đoạn này cũng giảm mạnh 15% so với cùng kỳ, xuống khoảng 1,08 triệu tấn.
MBS cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và có thể phục hồi mạnh vào năm 2024.
Nửa cuối năm 2023, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép có cải thiện nhờ các yếu tố như nhu cầu của thị trường nước, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và các doanh nghiệp đã hạ thấp số ngày tồn kho bình quân nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá nguyên vật liệu.
Đối với mảng thép xây dựng, MBS cho biết thị trường bất động sản đang có những tín hiệu hồi phục vào cuối quý 4/2023 khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại 1 (Hà Nội, TP.HCM) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng, điều đó sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng.
-
Cuộc đua “giải cứu” môi giới bất động sản đang bắt đầu?
Thị trường bất động sản 2023 đã đi được 2/3 quãng đường, những khó khăn nhất dường như đã ở lại phía sau. Song một nhân tố cực kỳ quan trọng của thị trường là lực lượng môi giới bất động sản vẫn còn đang chới với ngụp lặn khi không bán được hàng. Cuộc đua “giải cứu” môi giới có vẻ đang diễn ra khi nhiều đơn vị bắt đầu có những giải pháp để khuấy động nhân tố này.
-
Bộ trưởng Xây dựng dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên vào thời điểm này
Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
-
“Giải vây” cho thị trường bất động sản
Nhiều kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, hướng đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn, giải vây cho thị trường bất động sản thời gian tới.
-
Thủ tục hành chính đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi thu hồi sổ hộ khẩu?
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1.1.2023 sẽ không còn sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai sau khi thu hồi sổ hộ khẩu là vấn đề được nhiều người quan tâm....
-
Bất động sản châu Á có thể là điểm sáng trên toàn cầu trong năm 2023
Theo công ty dữ liệu bất động sản Knight Frank, dù vẫn đối mặt với một số thách thức, song khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới trong năm 2023....