Thị trường rơi tự do: Nguy cơ xuất hiện chợ đen
Nếu đi tìm nguyên nhân để dẫn đến tình trạng bất động sản như hiện tại, chắc chắn nhiều người sẽ đồng tình với quan điểm của TS Alan Phan thời gian gần đây. Tuy nhiên, với góc độ những người trong cuộc, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng quan điểm của ông Alan Phan không "trung thực". Bởi xuất phát điểm của những phát ngôn của ông không phải là tiếng nói của một chuyên gia phân tích thị trường thông thường, mà ông đang nói với tư cách của một người đầu tư, một "cáo già" về thị trường chứng khoán và bất động sản.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. Ảnh: internet.
Sau khi quan điểm của ông được đông đảo dư luận biết tới, những người có nhu cầu về nhà ở đã đặt ra câu hỏi rằng, nếu để thị trường rơi tự do, giá nhà đất có thể giảm đi một nửa thậm chí là 70% so với giá thành hiện tại, thì các cán bộ công nhân viên, những người nghèo có thu nhập thấp có thể mua được nhà?
Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng có thực hiện theo đúng lời khuyên của ông Alan Phan để thị trường rơi tự do thì người nghèo cũng khó có thể mua được nhà. Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Cường, nếu để mặc thị trường, giá bất động sản giảm đi 50% hoặc thậm chí 70% thì người nghèo cũng không thể mua được nhà. Bởi các chủ đầu tư, chủ dự án sẽ bán buôn, đồng thời các tổ chức không liên quan gì đến BĐS sẽ nhảy vào “vơ vét”, và như vậy, các tổ chức này không để ra vài căn hộ nhỏ lẻ để làm từ thiện, hay để bán cho người nghèo, mà “ôm” một thời gian, sau đó lại “thổi giá” kiếm lời.
"Hãy thử hình dung, khi bất động sản giảm giá đến 70-80%, một căn nhà giá một tỷ chỉ còn 200 triệu đồng, người nghèo- có phần tích lũy sau một đời tích cóp- có muốn cũng không mua được nhà. Là bởi, để sở hữu được căn nhà đó, có người sẽ lập tức trả thêm cho người bán 20, 30 hay thậm chí thêm cả trăm triệu nữa. Lúc này, người bán chắc chắn sẽ bán cho người trả giá cao nhất, đó là quyền của họ, nhưng đó cũng là mặt trái của cái gọi là để thị trường rơi tự do", ông Nguyễn Hữu Cường nói.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Cường, thị trường bất động sản nói chung và Hà Nội nói riêng đã có bài học xương máu cách đây vài năm. Ở thời điểm "khủng hoảng" gần đây nhất của thị trường bất động sản, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ, các ban ngành liên quan thì hệ lụy chắc chắn không thể tính đếm được.
Ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, chúng ta phải nhìn ở góc độ của nền kinh tế chung. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ cho đa ngành nghề để vực dậy nền kinh tế, trong đó có bất động sản chứ không phải các cá nhân đầu cơ bất động sản. Do vậy, cần phải làm rõ. Ngoài ra, chúng ta hình dung ra một bức tranh, nếu không cứu thị trường BĐS mà để cho nó “chết” thì các DN đồng loạt phá sản, gần 100 ngành nghề không liên quan gì đến bất động sản cũng “chết” theo, bởi tất cả các ngành nghề hầu như liên quan ít nhiều đến thị trường bất động sản, điều này sẽ dẫn đến hàng nghìn lao động bị mất việc và hậu quả để lại cho xã hội là vô cùng lớn. Do vậy, nếu để thị trường BĐS rơi tự do, nó sẽ để lại hệ quả khôn lường cho nền kinh tế.
Có giác quan thứ sáu để phát hiện thế lực "ngầm" sau lưng ông Alan Phan!
Trong câu chuyện, ông Nguyễn Hữu Cường cũng nhiều lần nhắc đến "phản ứng" của Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội với quan điểm của TS Alan Phan. Theo đó, hai công văn trao đổi giữa câu lạc bộ với TS Alan là phản ứng một cách tự nhiên, trên tinh thần cầu thị, học hỏi.
"Nếu như TS Alan Phan là một người bình thường, không có bề dày khiến cho mọi người ngưỡng mộ và kính nể thì nó là một câu chuyện hoàn toàn khác, vì ông đã có 43 năm làm việc và sinh sống ở hai quốc gia lớn là Mỹ và Trung Quốc, nên có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và thị trường bất động sản. Hơn nữa, ông đã từng phải trả giá trong lĩnh vực này. Việc ông phát biểu như vậy, mọi người sẽ cảm nhận được rằng, những phát biểu này không mang tính xây dựng, mà đằng sau đấy gần giống như kịch bản 2005 mà TS Alan Phan đã lập lại khi huy động quỹ trái phép ở Mỹ và đã bị xử phạt về dân sự. Câu chuyện của ông Alan Phan đã đi ngược lại với sự vận hành của một quốc gia, điều này sẽ có tác động không tốt đến nền kinh tế. Chính vì vậy mà cộng đồng các doanh nghiệp mong muốn và cầu thị được nghe TS Alan Phan phân tích một cách cụ thể và khoa học, góp phần đưa ra giải pháp cũng như kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét. Nhưng ông Alan Phan đã không đáp ứng được yêu cầu này, điều đó cho thấy, lời phát biểu của TS Alan Phan có sự toan tính mà không thực sự mang tính xây dựng, không thể áp dụng thị trường của Mỹ vào Việt Nam được", ông Nguyễn Hữu Cường nói.
Ông Nguyễn Hữu Cường cũng nói thêm rằng, chính việc TS Alan Phan xuất hiện "không bình thường" như phân tích ở trên là "chứng cứ" để khẳng định có "thế lực ngầm" đằng sau. "Việc nhìn nhận này cũng giống như giác quan thứ sáu mà mỗi người có để cảm nhận về những nguy hiểm sắp xảy ra với mình, cũng là linh cảm mà các bà mẹ thường có khi 'con chưa khóc mẹ đã cho bú...", ông nói.
Mặc dù phản ứng với quan điểm "để thị trường tự chết" của TS Alan Phan, nhưng ông Nguyễn Hữu Cường cho biết, các thành viên trong Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đang sắp xếp tổ chức một cuộc hội thảo để bàn cách tháo gỡ khó khăn và "giải cứu" được thị trường.