28/08/2014 4:22 PM
Nợ xấu trị giá bao nhiêu nên mang ra bán như bán hàng thanh lý, hàng xấu, lỗi mốt… người bán không thể yêu cầu hay chờ đợi một mức giá cao.

Nợ xấu tung hỏa mù

PV: - Nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có ngân hàng đã vượt mức 5%, thậm chí từ 7-8%. Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng sẽ tăng mạnh sau khi giảm còn 3,61% tháng 12/2013 - tháng cao điểm bán nợ xấu cho Tổng công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC và tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt nợ xấu theo báo cáo có lúc tăng, giảm cụ thể cuối năm 2013 chỉ hơn 3%, đến tháng 4/2014 tại cuộc họp Chính phủ, Thống đốc NHNN báo cáo là 7%, sau đó tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nợ xấu lại được báo cáo chỉ còn hơn 4%.

Theo ông, trước những con số trên phải nhìn nhận về tình hình nợ xấu như thế nào? Việc nợ xấu tăng giảm và có khả năng sẽ ở mức cao cho thấy điều gì?

TS Alan Phan: - Vấn đề nợ xấu ở mức cao đã lình xình từ 3-4 năm nay tuy nhiên, mỗi đơn vị lại đưa ra một số liệu khác nhau. Trong khi các con số đưa ra bởi các cơ quan trong nước luôn ở mức 3-4% nhưng Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's còn từng công bố nợ xấu của Việt Nam ít nhất cũng phải 15%. Sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố lại, nợ xấu của Việt Nam là 9% nhưng đã giảm mạnh.

Như vậy, vấn đề minh bạch không có, muốn che giấu những gì xấu xí cho đến thời điểm bây giờ “rác” nhiều và lâu lâu lòi ra nhưng con số thực thì chưa ai biết.

Tôi đã rất nhiều lần nói về tính chính xác của những con số thống kê của Việt Nam. Tất cả con số tùy từng lúc, tùy tình hình để điều chỉnh phù hợp. Trường hợp những con số báo cáo về nợ xấu cũng tương tự. Con số đưa ra làm hỏa mù thêm về thực trạng tài chính của ngân hàng nên mọi đánh giá về sự việc này cũng tương tự với việc đánh kiếm trong đêm tối không biết anh nào đúng, anh nào sai.

Chuyên gia kinh tế TS Alan Phan

PV: - Trong khi đó báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tính đến năm 2012, cho thấy khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 402.955 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục được cấp tín dụng nhiều hơn khối doanh nghiệp tư nhân và làm ăn thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế như thế nào?

TS Alan Phan: - Hiện nay thể chế và chính sách đều dành ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, tức là lấy nhà nước làm chủ thể và chủ động trong nền kinh tế. Khi đã nói như vậy thì đương nhiên mọi ưu tiên phải dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Song theo quan sát của tôi, trong lịch sử thế giới chưa từng có doanh nghiệp nhà nước nào hoạt động, quản lý có hiệu quả, tạo ra lợi nhuận, sáng tạo… tức là chưa có doanh nghiệp nhà nước nào thành công. Trong trường hợp Việt Nam nếu doanh nghiệp nhà nước nào thành công phải được ghi vào kỷ lục mới lập của lịch sử Guinness.

Thực tế, việc bơm tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước hiện nay giống như việc đổ tiền cho một người chuyên mang tiền đổ xuống sông.

Tất cả ngân hàng đều do ngân hàng nhà nước chi phối chứ không hoạt động độc lập, do đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng hiện nay có thể tưởng tượng như 2 “đứa con” do nhà nước chỉ huy. Trường hợp sức khỏe của ngân hàng bị ảnh hưởng, dù có “yếu” đến mấy ngân hàng vẫn được NHNN đảm bảo để không bị đổ vỡ, sụp đổ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng suy sụp vì thiếu mọi sự hổ trợ từ tài chánh đến thủ tục và chịu nhiều lệ phí, thuế…quá tải. Nền kinh tế không thể cất cánh được, đang từ từ đi xuống và những thực tại này rất rõ ràng với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng.

Thanh lý "nợ xấu"

PV: - Về việc xử lý nợ xấu VAMC, năm 2013 VAMC đã mua lại khoảng 39.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng sang năm 2014 quá trình này chững lại, 6 tháng đầu mới mua được 11.414 tỷ nợ gốc. Trong khi VAMC vẫn mua nợ xấu bằng "giấy", cũng chưa tìm được đầu ra cho những khoản nợ xấu đã mua.

Theo ông đây có phải chỉ là hình thức giảm nợ xấu ảo, thực tế nợ xấu không những giảm mà còn tăng thêm vì nợ xấu dồn về VAMC và VAMC không bán được nên phải cộng lãi vốn mua vào tổng khối nợ? Việc không đánh giá đúng thực trạng nợ xấu ảnh hưởng như thế nào đến các biện pháp xử lý nợ xấu, thưa ông?

TS Alan Phan: - VAMC cũng do nhà nước điều hành, chưa có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nợ xấu sẽ vẫn là nợ xấu và con số càng ngày càng tăng lên theo thời gian vì vấn đề cốt lõi chưa ai giải quyết.

VAMC lập ra để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại và được NHNN quản lý. Hay nói tóm lại, tất cả đều phát sinh từ dòng tiền của ngân sách. Tiền có chạy qua chạy lại thì cũng chỉ là từ túi bên này chạy qua túi bên kia.

Khi không đánh giá đúng thực trạng của nợ xấu thì không giải quyết được vấn đề. Nợ xấu ở Mỹ có thể bán với giá rẻ chỉ 20-30% giá nguyên thủy. Khi người mua bán lại với giá 50%, họ sẽ có lãi. Trong trường hợp của Việt Nam, nếu VAMC chỉ hạ giá 10% thì sẽ không ai mua. Nếu nhà nước đứng ra bảo đảm thì bản chất dòng tiền vẫn không thay đổi.

Như vậy, cách giải quyết hiện tại chỉ là hình thức bỏ trong tủ đông và tính sau chứ không ai muốn giải quyết triệt để ngay bây giờ. Vì nếu bán với giá 20-30% ai sẽ chịu trách nhiệm về phần còn lại được coi là mất mát? Các quản lý sẽ bị đưa ra tòa với tội làm thất thoát tài sản quốc gia.

PV: - Vừa qua, NHNN đã có đề nghị xin tiền cấp cho VAMC mua nợ nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn theo ông cách này có đồng nghĩa với việc lấy tiền của dân đi mua nợ cho chủ ngân hàng và gánh nặng sẽ trút lên đầu dân? Xin ông cho biết, cần cơ chế như thế nào với VAMC để giải quyết nợ xấu?

TS Alan Phan: - Vấn đề chính người phải trả nợ không trả được nợ, người mua nợ xấu không bán được nợ, và mọi người chỉ chờ ngân sách quốc gia giải quyết. Vấn chỉ quanh quẩn xung quanh câu chuyện đó.

Còn cơ chế cho VAMC, quan điểm của tôi là không nên mất thì giờ để bàn tới bàn lui. Phải hiểu nguyên tắc của thị trường, ai muốn mua lại nợ xấu phải có lời khủng vì rủi ro quá nhiều. Nợ xấu trị giá bao nhiêu nên mang ra bán như bán hàng thanh lý, vì hàng xấu, lỗi mốt…Người bán không thể yêu cầu hay chờ đợi một mức giá cao như chuyện trong mộng.

Nói tóm lại, nợ xấu không thay đổi nếu không giải quyết theo cơ chế thị trường. Nhưng tôi biết chắc chắn hiện nay Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ không thể thay đổi chính sách vì cơ chế thị trường sẽ tạo ra quá nhiều hệ lụy cho những thành phần liên quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Thảo (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.